Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

Bệnh “tay, chân, miệng” và cách phòng chống

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 02:38, under ,, | No comments

Hiện nay, bệnh “tay, chân, miệng” đã và đang xảy ra tại một số địa phương. Nguyên nhân gây bệnh là do enterovirus 71. Sau đây là một số hiểu biết cơ bản về bệnh “tay, chân, miệng” và cách phòng chống.


Tổn thương trong hội trứng tay, chân, miệng do enterovirut 71 (Ảnh vadscorner)

Một số hiểu biết cơ bản về bệnh “tay, chân, miệng”
Tổn thương trong hội chứng tay, chân, miệng do enterovirus 71 (Ảnh: vadscorner)
Bệnh tay, chân, miệng do virus entero phân bố khá phổ biến trên thế giới, bệnh thường xảy ra ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Các vụ dịch do enterovirus đã được ghi nhận tại Đài Loan, Trung Quốc (1998), Malaysia (1997). Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em. Biểu hiện bệnh ở nam rõ rệt hơn ở nữ.
Bệnh có biểu hiện sốt, sưng miệng, nổi ban có bọng nước. Bệnh thường bắt đầu bằng sốt nhẹ, kém ăn, mệt mỏi và sưng họng. 1-2 ngày sau có những chấm đỏ có bọng nước rồi vỡ thành vết loét. Các vết này thường nằm ở lưỡi, lợi và bên trong má. Các tổn thương trên da cũng xuất hiện sau 1-2 ngày, biểu hiện là các vết đỏ, có thể có bọng nước, không ngứa và thường nằm ở lòng bàn tay, gan bàn chân. Bệnh tay, chân, miệng hoàn toàn khác với bệnh chân và miệng (còn gọi là bệnh lở mồng long móng) ở trâu, bò, cừu và lợn. Mặc dù nhiều người nhầm hai bệnh với nhau do tên gần giống nhau nhưng bệnh do 2 loại virus hoàn toàn khác nhau gây nên.
Bệnh thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ, khỏi bệnh sau 7-10 ngày. Hiếm khi xảy ra biến chứng, tuy nhiên cũng có trường hợp nặng có biểu hiện viêm màng não với các triệu chứng sốt, đau đầu, cứng cổ hoặc đau lưng. Rất hiếm khi có biến chứng viêm não hoặc liệt mềm cấp.
Bệnh do nhóm virus đường ruột gây nên. Loại virus thường gây bệnh nhất là coxsackievirus A16, đôi khi bệnh gây ra bởi enterovirus 71 hoặc các týp enterovirus khác. Dịch đang xảy ra ở một số tỉnh ở nước ta hiện nay, theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM đã khẳng định do enterovirus 71.
Bệnh tay, chân, miệng là bệnh truyền nhiễm. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, hoặc qua đường phân-miệng. Khả năng lây truyền cao nhất trong vòng 1 tuần đầu kể từ khi mắc bệnh, tuy nhiên người ta thấy virus vẫn được đào thải qua phân nhiều tuần sau đó. Người ta tìm thấy virus tồn tại trong nước, đất, rau. Người cũng có thể mắc bệnh do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virus.
Đến nay vẫn chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu điều trị bệnh. Chủ yếu là các biện pháp điều trị triệu chứng để hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và điều trị các biến chứng nếu có.
Các biện pháp phòng chống


Khuẩn enterovirus 71 (Ảnh yamagiku)

Đến nay vẫn chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu, nhưng nguy cơ lây nhiễm có thể giảm đáng kể nếu thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, đặc biệt sau mỗi lần thay tã cho trẻ.
2. Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi có thể nhiễm virus bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng chloramin B 5%.
3. Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh hoặc người bệnh và áp dụng một số biện pháp hạn chế bệnh lây truyền theo đường phân, miệng khác như ăn chín, uống sôi.
4. Cách ly bệnh nhân, trẻ bị bệnh trong vài ngày đầu mắc bệnh cũng có thể làm giảm đáng kể khả năng lây nhiễm.
Bạn hãy nhớ rửa tay khi:
·         Trước, sau khi nấu ăn, và chuẩn bị thức ăn.
·         Trước khi ăn, sau khi đi đại tiện, tiểu tiện.
·         Khi tay bẩn.
·         Phải rửa tay thường xuyên khi trong gia đình có người ốm, bệnh.
Cách rửa tay đúng:
·         Đầu tiên làm tay ướt toàn bộ và dùng dung dịch xà phòng hoặc xà phòng bánh. Đặt bánh xà phòng vào giá, để ráo nước và khô.
·         Cọ, xoa 2 bàn tay vào nhau kỹ và bảo đảm rửa hết các kẽ ngón tay, mong tay.
·         Tiếp tục cọ rửa kỹ trong 10-15 giây. Cọ rửa kỹ và xà phòng sẽ giúp diệt và loại bỏ hết các mầm bệnh bám dính trên tay.
·         Xả nước kỹ và lau khô hoặc sấy khô tay.
Các bước lau rửa sạch các dụng cụ, bề mặt và khử trùng:
·         Phải dùng găng tay cao su khi lau dọn chất nôn, phân, đặc biệt khi tay bạn có vết xước hoặc gia đình bạn có người bệnh.
·         Đầu tiên, lau các bề mặt (mặt bàn, mặt ghế, sàn nhà) bằng xà phòng và nước hoặc các chất tẩy rửa khác.
·         Sau khi lau sạch, bạn có thể dùng hóa chất khử trùng như dung dịch chloramin B 5% thoa đều trên các bề mặt đó và giữ trong vài phút. Thao tác này giúp cho mầm bệnh tiếp xúc với hóa chất khử trùng lâu hơn.
·         Lau lại các bề mặt bằng khăn giấy dùng một lần hoặc khăn bàn. Nếu dùng khăn bàn phải giặt khăn sau khi sử dụng.
Để các dụng cụ lau và tiệt trùng xa khỏi tầm tay trẻ em.
Luôn luôn, thậm chí ngay cả khi bạn dùng găng tay, bạn nên rửa tay sau mỗi lần lau rửa và khử trùng.

Theo Sức khỏe & đời sống, TTO



0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive