Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Hỗ trợ trẻ học và làm bài ở nhà hiệu quả

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 19:11, under | No comments


Ảnh: Internet.

Bố mẹ nên giúp con làm bài tập nếu cần thiết.

Sắp xếp nơi học tập phù hợp với con, giúp trẻ tự tin khi làm bài kiểm tra, dạy trẻ rằng học không chỉ giới hạn ở việc làm cho xong bài tập về nhà,.. là một số phương pháp hỗ trợ trẻ học và làm bài ở nhà hiệu quả.
1. Tắt TV: Lập ra quy định “không xem TV khi đến giờ vào bàn học”. TV sẽ thu hút bọn trẻ như mật đối với ong.
2. Nên để hay tắt máy radio? Ngược lại với ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều trẻ dường như vẫn học tốt khi bạn để radio ở chế độ nhạc mà trẻ yêu thích. Tuy nhiên, tùy vào việc nhà bạn biệt lập hay trong khu chung cư mà bạn có thể cho trẻ nghe nhạc trực tiếp từ radio hay qua tai nghe.
3. Sắp xếp nơi riêng biệt dành cho việc học và làm bài của trẻ: Trẻ có thể học trong phòng riêng hay sử dụng bàn ở nhà bếp, phòng khách để ngồi học. Hãy giảm thiểu những gì có thể làm xao nhãng sự tập trung của trẻ.
Đối với trẻ học trong phòng riêng, phụ huynh nên chú ý sắp xếp sao cho việc học của của trẻ thuận tiện và thoải mái chứ không chỉ chú trọng đến thiết kế phòng sao cho đẹp. Một cái bàn to để trẻ bày ra những dụng cụ học tập cần thiết như bút chì, bút mực, tập vở, sách giáo khoa... sẽ góp phần giúp trẻ học tốt hơn.
Khuyến khích trẻ sử dụng một quyển tập hay có một quyển sổ nhỏ để ghi bài tập về nhà, tránh việc quên làm các bài tập cần phải nộp cho thầy cô.
Đảm bảo phải luôn có đầy đủ dụng cụ học tập. Kiểm tra xem trẻ có cần thêm gì không. Tập cho trẻ có trách nhiệm giữ gìn bảo quản các dụng cụ học tập để lúc nào cần dùng là có ngay.
4. Tính quy củ là yếu tố chủ lực giúp trẻ thành công: Hãy sắp xếp hoạt động của gia đình sao cho bữa ăn tối kết thúc theo giờ quy định để trẻ có thể ngồi vào bàn học đúng giờ. Nếu trẻ không phải tham gia vào các hoạt động ngoại khoá sau giờ học và có nhiều thời gian rảnh rỗi, chúng có thể làm một ít bài tập trước khi ăn tối.
Hãy xem xét mức độ phát triển của con bạn khi quy định thời gian làm bài tập về nhà cho chúng. Trong khi học sinh trung học có thể tập trung học hơn một giờ đồng hồ, trẻ lớp một không thể tập trung quá 15 phút cho một bài tập. Vì vậy, hãy cho trẻ nghỉ giải lao sau khi chúng làm xong một phần của bài tập.
5. Dạy trẻ rằng học không chỉ giới hạn ở việc làm cho xong bài tập về nhà: Hãy khuyến khích trẻ thực hiện những điều sau:
- Ghi chú khi đang đọc một chương sách
- Học cách thu thập những kiến thức quan trọng nhất trong bài
- Học cách đọc và hiểu các biểu đồ
- Học cách tóm lược những gì đã đọc qua cách diễn đạt của chính mình
- Học cách tự làm lấy các phiếu tóm tắt về ngày tháng, công thức, cách đánh vần chữ mới...
6. Ghi chú là một khả năng cần được phát huy: Nhiều học sinh không biết cách ghi chú, một vài em lại nghĩ rằng mình phải ghi lại từng chữ thầy cô nói. Các học sinh giỏi nhận ra thói quen ghi chú rất quan trọng; thói quen này giúp chúng ghi nhớ các điểm quan trọng của bài học.
7. Giúp con bạn tự tin khi làm bài kiểm tra: Hãy giải thích cho con hiểu, nhồi nhét bài học gấp rút một đêm trước ngày kiểm tra chẳng giúp ích được gì nhiều. Tốt hơn là hãy đánh một giấc thật ngon. Ngoài ra, nên nhắc nhở chúng nên đọc kỹ và đọc toàn bộ các hướng dẫn hay yêu cầu của bài kiểm tra trước khi đặt bút làm bài. Hướng dẫn con nên bỏ qua các câu hỏi nếu không biết trả lời; và quay lại làm sau nếu còn thời gian. Lời khuyên cho bất kỳ học sinh nào trước giờ làm kiểm tra là: Hãy hít thở sâu, thư giãn và sẵn sàng bắt đầu. Hãy luôn mang theo bút chì phòng khi cần dùng.
8. Cha mẹ nên giúp trẻ làm bài tập về nhà nếu điều đó mang lại hiệu quả, chẳng hạn kiểm tra lại một phép toán có đáp số không đúng (nếu bài tập cho biết trước đáp số). Nhưng nếu thấy tự trẻ có thể hoàn thành bài tập thì cha mẹ không nên làm thay.
Tuy nhiên, cha mẹ nên bình tĩnh và vui vẻ khi giúp đỡ con làm bài. Giúp đỡ mà lại la mắng hay bực dọc thì còn tệ hơn là không giúp. Sau khi con bạn làm xong, hãy đọc qua hướng dẫn và kiểm tra lại các phép tính.
9. Sử dụng sổ liên lạc hiệu quả. Cha mẹ nên thường xuyên hỏi thăm trẻ, chẳng hạn như “trong trường con dạo này thế nào?”, “bài kiểm tra toán của con ra sao rồi?”. Khi trong sổ liên lạc xuất hiện những lời cảnh cáo tình trạng học tập của trẻ và yêu cầu cha mẹ ký tên xác nhận, bạn nên liên hệ với thầy cô (nên cho cả trẻ đi cùng) để biết khó khăn gì đang xảy ra với trẻ và có phương án khắc phục hợp lý.
Hãy chú ý khi nghe trẻ than thở “cô giảng nhanh quá” hay “thầy ấy thật dễ sợ”. Đó có thể là cách trẻ biểu lộ rằng chúng đang gặp khó khăn trong học tập. Tuy nhiên, cẩn thận nếu trẻ phản ứng hay tỏ vẻ không thích bạn đến gặp thầy cô. Việc này có thể phá hỏng tình cảm của bạn và trẻ cũng như khiến bạn giống như đang theo dõi chúng.

(Theo Tuổi trẻ)

(Theo_VnExpress )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive