Cố Cung luôn được canh gác nghiêm ngặt tưởng
chừng bất khả xâm phạm, nhưng hơn 500 năm tồn tại đã có nhiều kỳ án động trời
trong Tử Cấm Thành.
Những kỳ án động trời
trong Tử Cấm Thành
Cố Cung còn gọi là Tử Cấm Thành đây là trung tâm chính trị quốc gia của hoàng đế hai
triều Minh và Thanh. Nơi đây được canh phòng và bảo vệ vô cùng
nghiêm ngặt với tường cao, hào sâu và tầng tầng lớp lớp vệ quân dày đặc. Nhưng
trong hơn 500 năm tồn tại, nơi đây vẫn xảy ra rất nhiều những vụ thích khách
đột nhập, ăn trộm, hỏa hoạn, án cung cấm, thậm chí bách tính thường dân vẫn trà
trộn ra vào hoàng cung.
Cố Cung -Tử Cấm Thành.
Tử Cấm Thành là nơi hoàng đế sống,
ngoài thái giám cung nữ và các vương công đại thần mới được ra vào còn lại
những người khác không thể vào. Thậm chí, dưới triều Thanh, việc vương công đại
thần có thể vào được Tử Cấm Thành cũng bị hạn chế. Theo quy định thông thường
có 6 loại người có thể ra vào Tử Cấm Thành. Nếu là nam giới có “Môi phu” (thợ than) tức người đưa than và chất
đốt đến hoàng cung, người chuyên cung cấp hoa cho hoàng cung và quân nhân vào
dọn tuyết là ba loại đàn ông có thể vào Tử Cấm Thành.
Phụ nữ thì có vú nuôi cung cấp sữa cho
hoàng tử, công chúa, bà lang tinh thông y thuật, giỏi châm cứu và bà đỡ có thể
trực tiếp ra vào Tử Cấm Thành. Nhưng những người này cũng chỉ được vào trong
một nơi quy định nhất định nào đó và vào thời gian quy định rõ ràng chứ không
phải là tùy tiện ra vào. Điều này chứng tỏ đối với người bình thường việc
vào hoàng cung chỉ là một giấc mơ xa vời. Tuy thế nhưng trong
lịch sử mấy trăm năm tồn tại của Tử Cấm Thành Trung Quốc lại những kỳ án cung
cấm vô cùng ly kỳ.
Một góc Ngự Hoa Viên trong Tử
Cấm Thành.
1. Kỳ án đạo sĩ trà trộn vào cung thông
dâm với cung nữ
Vào triều Minh, rất nhiều hoàng đế tôn
sùng đạo giáo vì thế xã hội có rất nhiều đạo sỹ. Có một số đạo sỹ đã tận dụng
được khe hở này và tìm cách trà trộn vào cung. Vào năm thứ 12 đời Minh Hiến
Tông (tức năm 1476), có một yêu đạo tên Lý Tử Long đã dùng
bàng môn tà đạo mê hoặc mọi người. Không hiểu ông ta đã giảng
giải gì mà đám thái giám và cung nữ đều tôn ông ta như thần minh thánh sống nên
thường tìm cách dẫn ông ta vào cung chơi.
Thậm chí đám thái giám còn cả gan dẫn
ông ta lên vãn cảnh núi Vạn Thọ (nay là Cảnh Sơn). Lúc bấy giờ, trong cung có
một cung nữ vì mơ muốn được hoàng thượng lâm hạnh để mang long thai nên đã mời
Lý Tử Long đại sư đến làm phép. Sau khi ông ta giả thần giả quỷ đã thông dâm
với cung nữ này. Việc này cứ diễn ra trong cung mà không ai biết cho mãi đến
khi tên yêu đạo bị cấm vệ quân bắt được. Ông ta cùng với rất nhiều thái giám đã
bị chặt đầu bêu trước đông người làm gương.
Việc này khiến Minh Hiến Tông cảm thấy
hoang mang lo sợ cho sự an nguy của hoàng cung. Ông ta cảm thấy lực lượng cấm
vệ quân và lực lượng tuần tra của Đông Xưởng không đủ nên đã cho thiết lập Tây Xưởng. Đồng thời cắt cử thái giám thân cận Uông
Trực thống lĩnh Tây Xưởng. Cũng chính vì thế mà tên thái giám Uông Trực này đã
làm náo loạn triều cương. Từ chuyện này mới thấy cung cấm và kỉ cương xã hội
triều Minh lúc này đã tương đối hỗn loạn.
Ngọ Môn trong Tử Cấm Thành.
2. Hòa thượng trà trộn thâm nhập hoàng
cung
Khi triều Thanh bắt đầu, cung cấm
nghiêm minh hộ quân dũng mãnh vì thế cấm thành tương đối là an toàn và bình
yên. Sau đời Càn Long, trật tự xã hội không được như trước. Đến đời Gia Khánh
các tổ chức tông giáo dân gian mọc lên như "măng mọc sau mưa
xuân". Các môn phái đạo giáo kỳ quặc phát triển rầm rộ. Vào năm
thứ 28 Càn Long (tức năm 1763), vào một ngày tháng Chạp lạnh giá, có một tăng
nhân tên Hồng Ngọc, vừa đi đường vừa lẩm bẩm khi đi đến trước Tây Hoa Môn thì
muốn vào vào Tử Cấm Thành. Khi bị hộ vệ trực cổng thành ngăn lại thì quay trở
ra nhưng kiên quyết không chịu rời đi mà liên mồm nói xằng bậy vì không được
vào cửa. Đám hộ quân đành phải bắt giam vào ngục và thẩm vấn. Sau này thái y
khám bệnh thì hóa ra tăng nhân này bị chứng bệnh thần kinh. Sau này được thả và
giao lại cho viên tại Xương Bình Châu quản thúc.
Năm thứ 9 Gia Khánh (tức năm 1805) lại
xảy ra một vụ án cung cấm. Vào tháng Giêng tại Kính huyện, phủ Ninh Quốc, An
Huy có vị hòa thượng tên Liễu Hữu, sau khi vân du đến núi Phổ Đà, Triết Giang đột
nhiên đứng trước trời đất bao la lòng nảy sinh ham muốn kỳ quặc vào kinh thành diện kiến hoàng thượng.
Ông ta còn tưởng tượng ra cảnh hoàng
thượng sẽ ban thưởng cho mình làm trụ trì, sau đó gặp mặt mời cùng đi tuần thú
phương Nam. Đầu nghĩ vậy, Liễu Hữu liền đi từ Giang Nam qua Sơn Đông thẳng tiến
Bắc Kinh. Đến ngày 25 tháng 3, cuối cùng cũng đến được Bắc Kinh. Vì muốn được
bái kiến hoàng thượng nên rất nhiều lần ông ta đã đến quỳ trước Đông Hoa Môn để
tìm cơ hội vào cung. Nhưng cổng thành canh gác nghiêm ngặt không thể nào vào
được. Ông ta không hề nản lòng, hàng ngày vẫn đi xin bố thí và chờ đợi cơ hội.
Xuân qua đông tới, thoáng chốc đã hơn
nửa năm trôi qua. Ngày 24/11, trong cái giá rét căm căm, Liễu Hữu lại tiếp tục
đến đứng vọng ngoài Đông Hoa Môn nhưng lại bị hộ quân gác cổng đuổi đi. Lần này
cũng như bao lần, ông ta không rời đi mà đến bên ngoài Đông Môn của Cảnh Sơn
ngồi suốt đêm dưới cái giá lạnh thấu xương. Đến gần sáng, ông ta nhìn thấy có
vài người đốt đèn cầm hộp thức ăn đi về phía mình nên ông ta phán đoán đây là
đội Bát Thành đang mang thực phẩm vào cung. Ông ta liền trà trộn vào đám người này để qua Thần Vũ Môn.
Sau khi lọt vào Tử Cấm Thành, Liễn Hữu
đi vào hành lang hẹp phía Đông bên phải. Nhưng thâm cung đại điện, tường cao,
đêm tối ánh sáng không có nên đành men theo bờ tường đi về hướng Nam, chưa được
bao xa thì bị vệ quân đi tuần ban đêm bắt giam. Chuyện này nhanh chóng đến tai
hoàng đế Gia Khánh nên đã hạ lệnh nghiêm trị. Cuối cùng Liễu Hữu bị ép hoàn
tục, đánh 60 trượng, lưu đầy một năm và đeo gông hai tháng thị uy trước dân
chúng. Hộ quân quan trực Thần Vũ Môn cũng bị phạt đánh, bãi chức. Những vụ án
này đã gây hoang mang cho hoàng cung vì sự an toàn đã bị đe dọa.
Điện Bảo Hòa trong Tử Cấm
Thành.
3. Lập tiệm bánh bao trong Tử Cấm Thành
Ngày 23/3/1853, tức Hàm Phong năm thứ
3, bên cạnh Long Tông Môn gần Dưỡng Tâm điện ngay sát nơi hoàng thượng ở có một
chủ tiệm bánh bao nhỏ tên Vương Khố Nhi bị đội tuần tra bắt giữ. Ông ta vốn chỉ
là một người buôn bán nhỏ lẻ mưu sinh ở huyện Uyển Bình Thuận Thiên Phủ. Tháng
9/1851, ông đã vô tình nhặt được một thẻ bài trong cung tuy
không biết là vật gì nhưng cũng đoán đây là đồ trong cung. Về nhà ông ta bèn
nghĩ và quyết đinh sẽ vào cung hỏi cho rõ đây là vật gì, nếu là vật báu thì
chắc chắn sẽ được ban thưởng.
Sau khi vào đến trước cửa cung thành,
ông ta đã bị đám vệ binh ngăn cản không cho vào nên trong lòng cảm thấy có chút
run rẩy bèn móc tấm thẻ bài ra, không ngờ đám vệ binh mời ông ta vào. Khi vào
trong, ông ta nhìn đông ngó tây, đầu óc quay cuồng vì thấy cái gì cũng rộng lớn
và xa lạ, lại thấy thái giám cung nữ đi lại nườm nượp thì vội vàng về nhà. Ông
ta nghĩ rằng đó là giấc mơ và Tử Cấm Thành vốn không phải là nơi dành cho lê
dân bá tính, nếu lén lút đi vào sẽ là phạm pháp. Nghĩ đến thế ông ta cảm thấy
sợ hãi và không dám kể chuyện này với ai.
Nhưng được mấy tháng sau, cứ nghĩ đến
chuyện vào Tử Cấm Thành tự dưng trong lòng lại sôi sục. Cuối cùng, ông ta lại
vào lần nữa. Lần này ông ta cũng nhờ vào tấm thẻ bài để dễ dàng vào trong mà
không hề bị ai ngăn cản. Sau vài lần đi ra đi vào đơn giản tự dưng ông ta nảy ra ý định bán bánh bao trong cung. Thế là ông
ta gánh một gánh bánh bao rồi chọn một góc để làm quầy hàng. Đúng là đám thái
giám vẫn thường xuyên mua bánh bao của ông ta dù giá tiền đắt gấp 10 lần ở
ngoài nhưng tuyệt nhiên cũng chẳng có ai nghi ngờ thân phận của ông ta. Dần dần
Vương Khố Nhi trở thành thường khách của Tử Cấm Thành và đường
hoàng bước vào cổng chính của hoàng cung, bình yên bán bánh bao kiếm sống.
Cho đến một ngày tháng 4 năm thứ 2 Hàm
Phong ( năm 1852) thì mọi chuyện vỡ lở. Một hôm, người anh họ của Vương tên
Trương Quế Lâm đến chơi. Sau khi rượu say, ông ta đã kể cho người này nghe bí
mật của mình. Gã họ Trương nghe xong thì cảm thấy vừa kinh ngạc vừa vui mừng và
ngỏ ý muốn mượn tấm thẻ của Vương Khố Nhi để vào Tử Cấm Thành một chuyến. Không
ngờ Vương Khố Nhi đã đồng ý, đồng thời còn cạo chữ Viên Sỹ Đông trên tấm thẻ
chữa thành Trương Quý Lâm.
Vì Vương Khố Nhi đã vào cung nhiều lại
quen biết rất nhiều người trong cung nên không cần thẻ cũng vẫn vào được. Thậm
chí có người đầu bếp tên Trương Xuân Thành trong cung còn giúp hai anh em ông
ta đến làm chỗ ông ấy. Cứ như thế hai anh em nhà họ bình an vô sự kiếm được
việc làm “phạm pháp” trong cung. Sau một thời gian trong cung
thực hiện việc kiểm tra nghiêm ngặt nên Vương Khố Nhi đã tính đòi lại thẻ bài
của Trươgn Quế Lâm để quay về buôn bán. Nhưng đáng tiếc là chưa kịp ra khỏi
cung thì bị phát hiện và bị bắt.
4. “Bóng ma điên nhảy múa” trong điện
Thái Hòa
Mùng 8/7/1905 tức năm thứ 31 Quang Tự,
khi một đội tuần tra đi tuần tam điện thì phát hiện ra song cửa sổ hướng Đông
tại gian phía Tây của điện Thái Hòa bị rơi ra. Khi dừng chân lắng nghe thì thấy
rõ có tiếng người. Bọn họ lập tức bẩm báo lên trên. Đại thần tổng quản phủ nội
vụ đã dẫn theo một đội kỵ binh bao vây điện Thái Hòa.
Khi mở được khóa cửa chính của điện thì
thấy một người đang nhảy múa trong điện. Sau khi bắt giữ khám xét người này,
quan binh thu được một con dao ngắn, một con dao nhỏ, một hầu bao bên trong
đựng hai hộp diêm, 9 đồng tiền đồng, một tờ ngân phiếu, 760 văn tiền mặt, một
tấm vải bọc màu vàng bên trong có miếng ngọc thạch bị sứt một miếng, một dây
đai bằng vải màu tro, một cái áo khoác ngắn màu trắng bạc, một cái tẩu thuốc
không có thân, một cây quạt, một điếu bát, một miếng đá màu tím và một chiếc
khăn mùi xoa hoa tím.
Sau khi thẩm vấn, anh ta khai tên là
Giả Vạn Hải, 29 tuổi người huyện Đại Hưng ngoại thành Bắc Kinh. Tiếp tục phỏng
vấn thấy người này có nhiều biểu hiện thần kinh không bình thường. Sau khi bẩm
báo lên Từ Hy thái hậu và hoàng đế Quang Tự thì giao cho hình bộ tiếp tục điều
tra thẩm vấn. Suốt quá trình thẩm vấn và điều tra, Giả Vạn Hải ánh mặt ngây
dại, lời nói thì luyên thuyên thiếu logic, dấu hiệu bị điên. Sau một tháng điều
tra xét hỏi vẫn không thu được kết quả khả quan gì cuối cùng anh ta bị treo cổ.
Theo
Kiến Thức
0 nhận xét:
Đăng nhận xét