Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Những đứa trẻ sinh ra ở trường sa

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 23:52, under | No comments

"Quê em ở Trường Sa / Những đảo chìm đảo nổi / Quê em có biển trời / Bốn mùa xanh bao la / Sinh ra ở Trường Sa / Em là con của biển…", bài thơ những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên nơi tuyến đầu Tổ quốc thuộc nằm lòng và trở thành món quà tinh thần cho bất cứ vị khách nào đặt chân lên quần đảo của tỉnh Khánh Hòa. 5 lớp học chung một phòng


Đến thăm các hòn đảo có cư dân sinh sống, người ta không khó để bắt gặp những ngôi trường khang trang, sạch sẽ với lớp học được trang bị tủ sách, bàn ghế, bảng phấn đầy đủ. Các em nhỏ có khu vui chơi là mô hình nhà, xích đu, đu quay, cầu trượt…
Nhưng khác với đất liền, mỗi đảo chỉ có từ 8-10 em ở độ tuổi tiểu học nên được ghép chung vào 1-2 phòng để các thầy dạy bảo một cách tốt nhất. Trẻ em trên đảo và bài hát 'Quê em ở Trường Sa' “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…”


Giáo viên ở đảo đều là nam giới, mỗi đảo từ 1-2 thầy phụ trách lớp. Có những thầy vừa rời ghế giảng đường đã nộp đơn để được đi dạy học ở nơi đầu sóng ngọn gió trong 5 năm, nơi mà nghĩ đến thôi nhiều người cũng phải chùn bước.
"Thực ra từ khi còn là sinh viên, tôi đã rất mong muốn được một lần đặt chân ra Trường Sa, được dạy học ở đó. Mỗi người có một động lực, mục tiêu riêng. Trường Sa là tuyến đầu của Tổ quốc nên tôi muốn được đóng góp phần nào đó trong một chặng đường của cuộc đời" - thầy Hiệp, một thầy giáo 9X đã cống hiến 5 năm tuổi trẻ trên đảo Trường Sa, chia sẻ với Zing.vn.
"Học sinh nơi đây được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển tri thức cũng như thể lực. Những gì trong đất liền có, chúng tôi đều cố gắng mang đến cho các con. Không có hiện vật thì chúng tôi thay bằng hình mẫu hay tranh ảnh. Các con được học theo giáo trình giống như các bạn trong đất liền. Nhiều em có học lực tốt, khi trở về có thể tiếp tục học với các bạn", thầy Lê Văn Mạnh (đảo Song Tử Tây) nói.





Những em bé ở Trường Sa mang tên Thái Bình Hải Thùy, Nguyễn Bình Minh Thủy… Chúng không được sống ở những nơi nhộn nhịp, nơi có nhà cao tầng, đường phố nhiều xe cộ, siêu thị, có nhiều đồ chơi nhưng bù lại được học những bài học giản dị từ thiên nhiên, về những loài thuỷ hải sản, về cây phong ba hay học về cây bàng vuông vững vàng giữa biển khơi.
Đến lớp cùng nhau, về nhà lại chơi cùng nhau, những đứa trẻ từ nhiều nơi khác nhau của tỉnh Khánh Hòa được đến với Trường Sa, sống ở những ngôi nhà giống nhau, một môi trường như nhau.
Bài học đầu tiên các em nhận được ở nơi đây giống nhau, cùng bình đẳng trong thế giới này. Các em không chỉ là bạn học, mà còn như những người anh chị em trong cùng một gia đình.








Niềm vui khi gặp những người khách lạ
- Con thích ở ngoài đảo hay về đất liền hơn?.
- Con thích về đất liền vì ở đó không có kiến, ở đảo kiến đốt con hoài cô à.
- Ở đất liền cũng có nhiều kiến lắm.
- Vậy con sẽ ở trên tàu, trên đó chắc không có kiến đâu cô nhỉ?
Sa - đứa bé 4 tuổi - tay mân mê hộp sáp màu vừa được đoàn khách đến thăm đảo Song Tử Tây tặng, món đồ mà có tiền nhưng ở ngoài đảo xa như thế này em cũng không thể mua được.


Anh Đoàn Duy Kiệt (đảo Song Tử Tây, ba của Sa) kể: "Ngày đầu tiên cho con bé về quê, nhìn thấy ôtô to lớn rồi bấm còi inh ỏi, con hoảng sợ bật khóc. Buổi tối cho bé đi cà phê với gia đình, nhìn những ánh đèn lấp lánh con ngơ ngác hỏi đó là gì vậy ba".
Đối với các em, những chiếc xe máy, ôtô là vật xa xỉ. Mỗi năm được về đất liền 1-2 lần tùy điều kiện thời tiết nhưng cũng không đủ thời gian để các cô bé, cậu bé lấp đầy khoảng trống về những điều mới lạ trong cuộc sống ở cách các em rất xa.





Vì thế, mỗi lần nghe tin có đoàn công tác đến thăm Trường Sa, mấy đứa nhỏ háo hức cả đêm. Sáng hôm sau chưa để bố mẹ gọi, chúng đã dậy sớm chỉnh trang quần áo, tập trung ra cầu cảng đón đoàn.
Lần đầu gặp các vị khách lạ nhưng những đứa trẻ cũng biết chào đón với nụ cười rạng rỡ như với người thân lâu ngày gặp lại, ríu rít dẫn khách đi tham quan hòn đảo của mình. Các em háo hức giới thiệu từng ngôi nhà, loại cây, kể chuyện đi học...


"Mỗi năm có khoảng 7-8 đoàn đến đảo con, năm ít thì 5 đoàn ạ" - vừa giơ ngón tay ra đếm, em Võ Thanh Thạch (đảo Sinh Tồn) nhoẻn miệng cười khi nhớ lại những lần được người ở đất liền ra thăm.
Những món quà như hộp bút màu, quyển sách, bộ quần áo, gói kẹo xanh đỏ… được các cô chú kiều bào trong đoàn công tác số 10 trao tận tay cho từng bé. Những đứa trẻ vui mừng khi có đồ chơi mới, cứ mở ra đóng vào mãi không thôi.



Vui nhất là buổi tối ở đảo Trường Sa, các bé được xem và biểu diễn văn nghệ cùng đoàn công tác. Từ chập tối, cả đám trẻ đã rủ nhau tắm rửa, ăn cơm sớm đến sân cột mốc xem ca nhạc.
Đối với trẻ ở đất liền, những buổi xem phim, nghe nhạc hay đi công viên chơi là điều rất đỗi bình thường. Còn với "những đứa con của biển", chỉ cần một nơi đông người, nhộn nhịp cũng khiến chúng đủ vui cả ngày.




Ước mơ của những đứa trẻ sinh ra từ biển
Có lẽ ước mơ làm chú bộ đội bảo vệ đất nước là ước mơ phóng viên Zing.vnđược nghe nhiều hơn cả khi hỏi các em nhỏ Trường Sa.
Cuộc sống 5 năm trên đảo, có những bé được "chôn rau cắt rốn" ở đây, có những bé học nói cùng tiếng sóng vỗ ì oạp trên biển, khi mở mắt ra là tiếng hiệu lệnh báo thức, là tiếng hô vang đi đều của các chú bộ đội, là những chiều cùng chạy tập thể dục vòng quanh đảo cùng những người lính trẻ… Những điều ấy có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi em và trở thành điều bình dị, thân thương, gần gũi nhất.
Nhưng một lát sau, khi được trò chuyện với những người kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, mỗi người làm một công việc khác nhau, giấc mơ ấy lại thay đổi. Có em nói muốn làm kiến trúc sư, có em muốn làm phiên dịch viên, có em muốn làm ca sĩ…
Càng được tiếp xúc với nhiều người, được biết nhiều nghề nghiệp hơn, dường như các em nhận ra được nhiều thứ mới mẻ hơn trong cuộc sống này.





Đang trò chuyện với Trung Tín, bỗng nhiên em kéo tay và nói: "Cô đi với con ra đây, con chỉ cho cô chỗ ngắm biển đẹp nhất ở đảo Sinh Tồn".
Chạy theo cái dáng bé nhỏ lên tầng hai của một căn nhà hành chính khang trang, mở ra trước mắt là cả biển trời mênh mông, nước biển trong xanh, bờ cát trắng xóa, những cây muống biển bò lăn trên cát nở hoa tím rực.
"Mỗi khi con nhớ đất liền con đều lên đây ngồi ngắm biển, con muốn về đất liền, con muốn làm lái xe để đi được mọi nơi cô ạ", đứa trẻ lớp 5 chênh vênh trên lan can, mắt nhìn ra biển, mong chờ ngày được trở về nhà.


Sau 5 năm ở Trường Sa, các em được trở về với đất liền, trở về với ngôi nhà trước đây của mình, có những người thân, người bạn cũ, các em lại tiếp tục với những con số, vần thơ, em được tiếp xúc với công nghệ hiện đại hơn.
Nơi ở đó của các em có thể không có biển khơi, không có cây bàng vuông, cây phong ba… nhưng chắc chắn hành trang em mang vào đời sẽ có bản lĩnh kiên cường của người lính đảo, những dạn dày gió sương của biển cả, những tình cảm thân thương, gần gũi của những người xa lạ trong cuộc gặp ngắn ngủi đôi ba tiếng…
Và để sau này, có đi khắp phương trời, các em có thể "tự hào em kể quê mình ở Trường Sa".



Quỳnh Trang

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Độc đáo loài hoa mang tên chúa sơn lâm

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 02:42, under | No comments

Hoa móng cọp được coi là một trong 10 loài hiếm gặp nhất trong số hơn 270 ngàn loài hoa trên thế giới. Nó đang có mặt tại vườn hoa của TS Hà Ngọc Mai ở Đà Lạt.



Giàn hoa móng cọp xanh. 

Gam xanh giữa khu vườn trắng
Biệt thự số 9 Phù Đổng Thiên Vương TP Đà Lạt của Tiến sĩ (TS) Hà Ngọc Mai. Khu vườn toàn màu trắng. Những sóng hoa hồng dại trắng ngà bao quanh tường. Ban công biệt thự điểm xuyết những khóm cúc trắng xuất xứ từ Úc trông; những cụm tiên yên, bạch hoa xà rất hiếm gặp ở Việt Nam.
Nhiều loài hoa trắng xinh xắn khác như arapang, lài tây, cánh bướm...?được bài trí khéo léo trong khu vườn khá rộng; đặc biệt là cây phượng duy nhất ở Việt Nam với sắc hoa trắng tinh khôi thu hút mọi ánh nhìn.
“Vì chồng tôi hợp với màu trắng nên tôi chỉ chọn sắc hoa này để tăng vượng khí nơi sinh sống và cầu mong mọi điều may mắn cho anh ấy” - TS Mai nói. Tuy nhiên có một loài hoa màu xanh đã lạc vào biệt thự hoa trắng ấy. Đó là hoa móng cọp xanh với tên khoa học Strongylondon macrobotrys.
Giàn hoa móng cọp hơn 10 năm tuổi của TS Mai đang trổ những chùm hoa thuôn dài duyên dáng đung đưa trong gió, mỗi chùm dài gần 1m đơm hơn trăm cái hoa. Khi mới thành hình, cánh hoa cong cong với đầu nhọn hướng lên phía trên trông giống chiếc móng của mãnh thú; đến khi nở, hoa bung ra như cánh bướm.
Hoa có màu chủ đạo là ngọc bích nhưng có thể đổi sắc mấy lần trong một ngày: Đón bình minh với màu cẩm thạch, mặt trời đứng bóng thì chuyển sang xanh lơ và khi hoàng hôn xuống lại đổi màu xanh lục trông khá huyền bí. Bởi thế ở Việt Nam, hoa móng cọp xanh còn có những cái tên ấn tượng như cẩm thạch, mắt mèo xanh...
Cây móng cọp của Việt Nam trồng ở dinh tổng thống
Lúc sinh thời, kỹ sư (KS) Lương Văn Sáu - cây đại thụ trong nghề trồng hoa ở Việt Nam - từng du học nhiều nước và tốt nghiệp Trường Canh nông ở Versailles (Pháp) cho biết: Hoa móng cọp thuộc họ đậu, có nguồn gốc từ những cánh rừng mưa ở Philippines; là loại thân mộc lâu niên nhưng có thể leo lên giàn hay vòm cổng. Loài này rất khó thụ phấn và phát tán hạt trong tự nhiên nên phải nhân giống bằng kỹ thuật chiết cành.
Cũng theo lời kể của KS Sáu, năm 1962, giáo sư Tôn Thất Trình (Bộ trưởng Bộ Canh nông) cử ông lên Đà Lạt chăm sóc vườn thượng uyển ở dinh tổng thống Ngô Đình Diệm. Đó là lần đầu tiên ông nhìn thấy cây hoa móng cọp xanh. 
Ông cũng đã dày công tìm kiếm thông tin và khám phá đây là cây độc nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ, có lẽ đã được người Pháp di thực đến Đà Lạt trong quá trình xây dựng đô thị ôn đới này.
Sợ mai một nguồn gene quý hiếm, KS Sáu đã chiết cành để nhân giống loài hoa này cho Đà Lạt, tuy nhên ông phải tiến hành một cách âm thầm và khéo léo để không bị quở trách vì làm ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ của cây.
Đầu thế kỷ này, móng cọp xanh được trồng ở một số địa phương ngoài Đà Lạt, là lựa chọn hàng đầu cùng tigon, hồng leo, hoa sao, kim ngân, sử quân tử...nhằm làm tăng vẻ sang trọng cho các biệt thự.
“Các cây hoa leo này cũng là lựa chọn tối ưu cho những căn nhà thuộc khu đô thị hiện đại. Sự duyên dáng, mềm mại của chúng giúp hồi sinh các góc chết của ngôi nhà” - kiến trúc sư Văn Hùng nói.
Vì là cây họ đậu nên móng cọp xanh cần nhiều chất đạm (N) để phát triển; nếu thiếu đạm, cây sẽ yếu dần, còi cọc, lá rụng và không thể đơm hoa. Ngày nay hầu như không thể tìm thấy móng cọp xanh trong thiên nhiên hoang dã nên nó được xếp vị trí thứ 9 trong số 10 loài hiếm gặp nhất.

theo Trí Thức Trẻ

Ông chủ “lâu đài” Tajmasago và câu chuyện làm nên Khải Silk

Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk khởi đầu công việc kinh doanh của mình từ một cửa hàng thêu nhỏ của gia đình ở số 96 phố Hàng Gai, Hà Nội.


Ông Hoàng Khải - Chủ tịch HĐQT Khaisilk Group còn có biệt danh là Khải Silk. Ông là một doanh nhân nổi tiếng xuất thân từ đất Hà thành. Và tên tuổi của ông càng được nhiều người chú ý hơn khi ông mạnh tay sắm chiếc xe Rolls Royce hồi năm 2007 và việc xây dựng “lâu đài” Tajmasago trị giá 15 triệu USD giữa đất Sài thành.Ông Hoàng Khải - Chủ tịch HĐQT Khaisilk Group còn có biệt danh là Khải Silk. Ông là một doanh nhân nổi tiếng xuất thân từ đất Hà thành. Và tên tuổi của ông càng được nhiều người chú ý hơn khi ông mạnh tay sắm chiếc xe Rolls Royce hồi năm 2007 và việc xây dựng “lâu đài” Tajmasago trị giá 15 triệu USD giữa đất Sài thành.


“Lâu đài” Tajmasago trị giá 15 triệu USD giữa đất Sài thành

Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk khởi đầu công việc kinh doanh của mình từ một cửa hàng thêu nhỏ của gia đình ở số 96 phố Hàng Gai, Hà Nội. Những năm 1980, ông ở trung tâm khu phố cổ. Ông học đàn ở Nhạc viện Hà Nội. Chính vì vậy, ông trở thành người có sự nhạy cảm đặc biệt với nghệ thuật. Theo lời kể của bạn bè ông, vì tính quảng giao nên ông sớm giao du với những người bạn nước ngoài.
Ông Khải là anh trai cả trong một gia đình có 3 anh em trai. Từ năm 17 tuổi, ông đã tham gia kinh doanh giúp đỡ cha mẹ. Cửa hàng gia đình ông chuyển từ thêu trở thành cửa hàng tơ lụa chuyên bán các mặt hàng lưu niệm làm từ lụa.
Lúc đầu, cửa hàng chuyên bán hàng cho những chuyên gia nước ngoài làm việc tại nhà máy giấy Bãi Bằng. Sau này, ông bắt đầu đi nước ngoài, thấy những quốc gia này rất phát triển nên ông nuôi tham vọng làm một cửa hàng lụa bài bản, sang trọng tại Hà Nội.
Năm 25 tuổi, ông Khải bỏ học ở Nhạc viện để chính thức thành lập Khải Silk. Cửa hàng đầu tiên được mở tại Hàng Gai. Sau đó, nhờ làm ăn buôn bán phát triên, nhiều cửa hàng tơ lụa và đồ lưu niệm khác được mọc lên dọc phố Hàng Gai và Hàng Bông. Chia sẻ trên tạp chí Forbes, ông Khải cho biết: “Chính tôi là người khai sinh ra phố tơ lụa ở Hàng Gai”.


Cửa hàng Khải Silk

Ông đặt lụa ở Vạn Phúc rồi vào tận Đà Nẵng, tạo việc làm cho nhiều gia đình gia công sản phẩm của Khải Silk. Ngoài ra, ông còn nhập lụa ở Trung Quốc. Khi công việc thuận lợi, ông Khải mở thêm phòng trưng bày sản phẩm ở các khách sạn năm sao phục vụ khách du lịch có nhu cầu. Mặt hàng bán chạy nhất của Khải Silk là cà vạt và khăn lụa. Các sản phẩm đều chủ yếu di ông Khải tự thiết kế mẫu mã.
Trong những năm đầu 1990, khi kinh doanh tốt, tích lũy được nhiều tiền mặt, ông Khải bắt đầu chuyển sang đầu tư bất động sản. Hội An Riverside Resort là một trong những khu nghỉ dưỡng được nhận nguồn đầu tư lớn của ông Khải trong thời kỳ này. Sau đó vài năm, khu nghỉ dưỡng này được ông bán đi và thu lợi gấp vài lần.


Cửa hàng kinh doanh ẩn thực Khai Brother

Năm 2000, ông Khải chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh vào Tp.HCM, đầu tư mạnh sang nhà hàng, bất động sản và khách sạn. Ông mua một ngôi nhà trên đường Đồng Khởi mở tiệm Khải Silk đầu tiên. Ông nhanh chóng gia nhập tổ chức Các chủ doanh nghiệp trẻ quốc tế YPO.
Ý định mở nhà hàng hạng sang được nung nấu. Nhà hàng Pháp Au Menior de Khai là nhà hàng sang trọng đầu tiên được ông Khải đầu tư. Gần đây nhất là việc ông cho tôn tạo lạ ngôi nhà cổ của Điền gia tộc, số 26 Nguyễn Thái Học, Hà Nội để kinh doanh ẩm thực và đặt tên là Khai Brother.
Nhiều doanh nhân tỏ ra khâm phục ông Khải trong việc đầu tư nhà hàng đẳng cấp cũng như sự sáng tạo của ông. Mọi người nhận xét ông thành công và thu được thành quả như hôm nay là nhờ khả năng ứng đáp linh hoạt với thời cuộc, sự khéo léo trong duy trì các mối quan hệ và thái độ luôn vui vẻ, yêu đời.

theo Trí Thức Trẻ

Bên trong biệt thự bề thế nhất lục tỉnh của công tử Bạc Liêu

Gần 100 năm đã trôi qua nhưng ngôi nhà công tử Bạc Liêu - một biệt thự kiểu Pháp, từng bề thế nhất Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ vẫn giữ nguyên được các nét kiến trúc.


Tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu, nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu, ngôi biệt thự được xây dựng vào khoảng năm 1919 khi Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy khoảng 19, 20 tuổi.
Ngôi nhà do kỹ sư người Pháp thiết kế và tất cả vật liệu để xây dựng đều được đưa từ bên Pháp qua. 
Để đảm bảo độ bền và diện mạo kiến trúc, chủ nhân đã đặt hàng và cho chuyên chở toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí từ Pháp qua. Các bù loong, ốc vít cho các chi tiết xây dựng đều được đóng dấu chìm mẫu tự P rất hoa mỹ, chứng thực sản xuất tại thủ đô Paris.
Người dân Bạc Liêu gọi đây là "Nhà Lớn". Ngôi nhà này không chỉ đẹp về kiến trúc, nội thất mà nhà Hội đồng Trạch cũng quy tụ vô số đồ gỗ, sứ, đồng... quý giá. Khi hoàn thành, đây được xem là ngôi biệt thự bề thế nhất ở Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.
Sau một thời gian trùng tu, ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu vẫn giữ được kiến trúc xưa và từ tháng 2/2014, ngôi nhà đã đón khách du lịch tới thăm với hàng trăm, cao điểm là hàng ngàn lượt mỗi ngày. Đặc biệt, nhiều hiện vật của gia đình công tử Bạc Liêu từng sử dụng như bàn, ghế, giường, tủ, một số đồ sứ… với giá trị "khủng" đã được sưu tầm và đưa về đây trưng bày.


Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (1900-1974), còn có tên khác là Ba Huy, hay Hắc công tử, là một tay chơi nổi tiếng số 1 ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Khả năng tài chính và độ phóng túng đối của công tử này đứng hàng số một, không một ai có thể tranh chấp.


Chiếc xe hơi mà công tử Bạc Liêu từng sử dụng.


Xe kéo Công tử.


Bên trong ngôi nhà, rất nhiều bộ bàn ghế có giá trị mà gia đình công tử Bạc Liêu từng sử dụng được trưng bày. Bộ ghế bát, cùng bộ bình phong ở phòng khách ngoài tầng 1.


Bộ trường kỷ ngũ sơn ở phòng khách trong dưới tầng 1 cùng rất nhiều các đồ dùng có giá trị khác của gia đình công tử Bạc Liêu.


Giường ngủ của công tử Bạc Liêu đóng bằng gỗ sưa (huỳnh đàn) được chạm khắc tinh xảo và khảm xà cừ trông thật lộng lẫy. Giường có giá "khủng" lên đến 7 tỷ đồng.


  Giường nóng lạnh đều toát lên vẻ sang trọng của gia đình giàu có bậc nhất Nam kỳ lúc bấy giờ.


Một trong những sập ba thành dành cho khách đến chơi và giải trí - hút á phiện trong ngôi nhà công tử.


Bộ trường kỷ ngũ sơn


Bàn bán nguyệt, đầu lân chân móng.


Chiếc đài được đặt trong phòng khách của gia đình.


Máy hát Akai thịnh hành thế kỷ trước nay vẫn hoạt động bình thường


Tivi trong phòng khách...


Máy nghe nhạc.


Chiếc hòm đựng tiền được để trong phòng ngủ của gia đình công tử.


Một chiếc lư bằng bạc nguyên khối được đặt ở phòng thờ trên tầng 2.


Phòng thờ của gia đình với tượng bán thân của ông bà Hội đồng Trần Trinh Trạch cũng như hình ảnh của vợ chồng công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Ông Trần Trinh Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110.000 ha đất trồng lúa, gần 100.000 ha ruộng muối. Theo lời cháu chắt ông kể lại, toàn tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ (gồm 4 quận Vĩnh Lợi, Cà Mau, Vĩnh Châu, Giá Rai) có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là của ông Hội Đồng Trạch, một lô còn lại của cha sở và một lô của dân thường. Ông Trạch có 7 người con, 4 gái, 3 trai. Trong 3 người con trai của ông Trạch (Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy và Trần Trinh Khương) thì Ba Huy là ăn chơi hơn cả.


Vợ chồng công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy và bà Ngô Thị Đen. Theo lời kể lại, công tử Trần Trinh Huy là người cao lớn, khoảng 1,70 m, lực lưỡng nhưng không cục mịch, trái lại dáng người rất thanh thoát, sang trọng, da đen, mày rậm... người đầy sinh lực. Tính tình Huy rất dễ dãi và hào phóng. Người trong nhà lầm lỗi, Huy cũng ít rầy la. Bà con ở xa lên thăm, Huy đều cho tiền. Tá điền không thấy Huy đòi nợ ai bao giờ, ai nghèo quá, năn nỉ Huy còn bớt lúa ruộng. Cho nên tá điền Bàu Sàng ít ai oán ghét Ba Huy.Trong các mối quan hệ, Ba Huy là người khoáng đạt, không dè dặt và mưu toan gì. Thời đó, các cậu công tử lẫn điền chủ điều chơi với người Pháp thì rất khúm núm, nịnh nọt, gọi là "chơi thế". Riêng Ba Huy thì cứ "toa toa" "moa moa" sòng phẳng, ngang hàng...


Một chiếc đèn dầu được treo trong nhà.


Chiếc mâm đồng...


Một bộ bàn ghế dùng tiếp khách trên tầng 2.


Chiếc sập tam thế để dành cho gia đình nghỉ trưa cũng như tiếp khách.


Con trai công tử Bạc Liêu - ông Trần Trinh Đức luôn vui vẻ giới thiệu cho khách du lịch đến đây về ngôi nhà cũng như thân thế của gia tộc mình.

theo Đại Lộ


Blog Archive