Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Những đứa trẻ sinh ra ở trường sa

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 23:52, under | No comments

"Quê em ở Trường Sa / Những đảo chìm đảo nổi / Quê em có biển trời / Bốn mùa xanh bao la / Sinh ra ở Trường Sa / Em là con của biển…", bài thơ những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên nơi tuyến đầu Tổ quốc thuộc nằm lòng và trở thành món quà tinh thần cho bất cứ vị khách nào đặt chân lên quần đảo của tỉnh Khánh Hòa. 5 lớp học chung một phòng


Đến thăm các hòn đảo có cư dân sinh sống, người ta không khó để bắt gặp những ngôi trường khang trang, sạch sẽ với lớp học được trang bị tủ sách, bàn ghế, bảng phấn đầy đủ. Các em nhỏ có khu vui chơi là mô hình nhà, xích đu, đu quay, cầu trượt…
Nhưng khác với đất liền, mỗi đảo chỉ có từ 8-10 em ở độ tuổi tiểu học nên được ghép chung vào 1-2 phòng để các thầy dạy bảo một cách tốt nhất. Trẻ em trên đảo và bài hát 'Quê em ở Trường Sa' “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…”


Giáo viên ở đảo đều là nam giới, mỗi đảo từ 1-2 thầy phụ trách lớp. Có những thầy vừa rời ghế giảng đường đã nộp đơn để được đi dạy học ở nơi đầu sóng ngọn gió trong 5 năm, nơi mà nghĩ đến thôi nhiều người cũng phải chùn bước.
"Thực ra từ khi còn là sinh viên, tôi đã rất mong muốn được một lần đặt chân ra Trường Sa, được dạy học ở đó. Mỗi người có một động lực, mục tiêu riêng. Trường Sa là tuyến đầu của Tổ quốc nên tôi muốn được đóng góp phần nào đó trong một chặng đường của cuộc đời" - thầy Hiệp, một thầy giáo 9X đã cống hiến 5 năm tuổi trẻ trên đảo Trường Sa, chia sẻ với Zing.vn.
"Học sinh nơi đây được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển tri thức cũng như thể lực. Những gì trong đất liền có, chúng tôi đều cố gắng mang đến cho các con. Không có hiện vật thì chúng tôi thay bằng hình mẫu hay tranh ảnh. Các con được học theo giáo trình giống như các bạn trong đất liền. Nhiều em có học lực tốt, khi trở về có thể tiếp tục học với các bạn", thầy Lê Văn Mạnh (đảo Song Tử Tây) nói.





Những em bé ở Trường Sa mang tên Thái Bình Hải Thùy, Nguyễn Bình Minh Thủy… Chúng không được sống ở những nơi nhộn nhịp, nơi có nhà cao tầng, đường phố nhiều xe cộ, siêu thị, có nhiều đồ chơi nhưng bù lại được học những bài học giản dị từ thiên nhiên, về những loài thuỷ hải sản, về cây phong ba hay học về cây bàng vuông vững vàng giữa biển khơi.
Đến lớp cùng nhau, về nhà lại chơi cùng nhau, những đứa trẻ từ nhiều nơi khác nhau của tỉnh Khánh Hòa được đến với Trường Sa, sống ở những ngôi nhà giống nhau, một môi trường như nhau.
Bài học đầu tiên các em nhận được ở nơi đây giống nhau, cùng bình đẳng trong thế giới này. Các em không chỉ là bạn học, mà còn như những người anh chị em trong cùng một gia đình.








Niềm vui khi gặp những người khách lạ
- Con thích ở ngoài đảo hay về đất liền hơn?.
- Con thích về đất liền vì ở đó không có kiến, ở đảo kiến đốt con hoài cô à.
- Ở đất liền cũng có nhiều kiến lắm.
- Vậy con sẽ ở trên tàu, trên đó chắc không có kiến đâu cô nhỉ?
Sa - đứa bé 4 tuổi - tay mân mê hộp sáp màu vừa được đoàn khách đến thăm đảo Song Tử Tây tặng, món đồ mà có tiền nhưng ở ngoài đảo xa như thế này em cũng không thể mua được.


Anh Đoàn Duy Kiệt (đảo Song Tử Tây, ba của Sa) kể: "Ngày đầu tiên cho con bé về quê, nhìn thấy ôtô to lớn rồi bấm còi inh ỏi, con hoảng sợ bật khóc. Buổi tối cho bé đi cà phê với gia đình, nhìn những ánh đèn lấp lánh con ngơ ngác hỏi đó là gì vậy ba".
Đối với các em, những chiếc xe máy, ôtô là vật xa xỉ. Mỗi năm được về đất liền 1-2 lần tùy điều kiện thời tiết nhưng cũng không đủ thời gian để các cô bé, cậu bé lấp đầy khoảng trống về những điều mới lạ trong cuộc sống ở cách các em rất xa.





Vì thế, mỗi lần nghe tin có đoàn công tác đến thăm Trường Sa, mấy đứa nhỏ háo hức cả đêm. Sáng hôm sau chưa để bố mẹ gọi, chúng đã dậy sớm chỉnh trang quần áo, tập trung ra cầu cảng đón đoàn.
Lần đầu gặp các vị khách lạ nhưng những đứa trẻ cũng biết chào đón với nụ cười rạng rỡ như với người thân lâu ngày gặp lại, ríu rít dẫn khách đi tham quan hòn đảo của mình. Các em háo hức giới thiệu từng ngôi nhà, loại cây, kể chuyện đi học...


"Mỗi năm có khoảng 7-8 đoàn đến đảo con, năm ít thì 5 đoàn ạ" - vừa giơ ngón tay ra đếm, em Võ Thanh Thạch (đảo Sinh Tồn) nhoẻn miệng cười khi nhớ lại những lần được người ở đất liền ra thăm.
Những món quà như hộp bút màu, quyển sách, bộ quần áo, gói kẹo xanh đỏ… được các cô chú kiều bào trong đoàn công tác số 10 trao tận tay cho từng bé. Những đứa trẻ vui mừng khi có đồ chơi mới, cứ mở ra đóng vào mãi không thôi.



Vui nhất là buổi tối ở đảo Trường Sa, các bé được xem và biểu diễn văn nghệ cùng đoàn công tác. Từ chập tối, cả đám trẻ đã rủ nhau tắm rửa, ăn cơm sớm đến sân cột mốc xem ca nhạc.
Đối với trẻ ở đất liền, những buổi xem phim, nghe nhạc hay đi công viên chơi là điều rất đỗi bình thường. Còn với "những đứa con của biển", chỉ cần một nơi đông người, nhộn nhịp cũng khiến chúng đủ vui cả ngày.




Ước mơ của những đứa trẻ sinh ra từ biển
Có lẽ ước mơ làm chú bộ đội bảo vệ đất nước là ước mơ phóng viên Zing.vnđược nghe nhiều hơn cả khi hỏi các em nhỏ Trường Sa.
Cuộc sống 5 năm trên đảo, có những bé được "chôn rau cắt rốn" ở đây, có những bé học nói cùng tiếng sóng vỗ ì oạp trên biển, khi mở mắt ra là tiếng hiệu lệnh báo thức, là tiếng hô vang đi đều của các chú bộ đội, là những chiều cùng chạy tập thể dục vòng quanh đảo cùng những người lính trẻ… Những điều ấy có lẽ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi em và trở thành điều bình dị, thân thương, gần gũi nhất.
Nhưng một lát sau, khi được trò chuyện với những người kiều bào ở khắp nơi trên thế giới, mỗi người làm một công việc khác nhau, giấc mơ ấy lại thay đổi. Có em nói muốn làm kiến trúc sư, có em muốn làm phiên dịch viên, có em muốn làm ca sĩ…
Càng được tiếp xúc với nhiều người, được biết nhiều nghề nghiệp hơn, dường như các em nhận ra được nhiều thứ mới mẻ hơn trong cuộc sống này.





Đang trò chuyện với Trung Tín, bỗng nhiên em kéo tay và nói: "Cô đi với con ra đây, con chỉ cho cô chỗ ngắm biển đẹp nhất ở đảo Sinh Tồn".
Chạy theo cái dáng bé nhỏ lên tầng hai của một căn nhà hành chính khang trang, mở ra trước mắt là cả biển trời mênh mông, nước biển trong xanh, bờ cát trắng xóa, những cây muống biển bò lăn trên cát nở hoa tím rực.
"Mỗi khi con nhớ đất liền con đều lên đây ngồi ngắm biển, con muốn về đất liền, con muốn làm lái xe để đi được mọi nơi cô ạ", đứa trẻ lớp 5 chênh vênh trên lan can, mắt nhìn ra biển, mong chờ ngày được trở về nhà.


Sau 5 năm ở Trường Sa, các em được trở về với đất liền, trở về với ngôi nhà trước đây của mình, có những người thân, người bạn cũ, các em lại tiếp tục với những con số, vần thơ, em được tiếp xúc với công nghệ hiện đại hơn.
Nơi ở đó của các em có thể không có biển khơi, không có cây bàng vuông, cây phong ba… nhưng chắc chắn hành trang em mang vào đời sẽ có bản lĩnh kiên cường của người lính đảo, những dạn dày gió sương của biển cả, những tình cảm thân thương, gần gũi của những người xa lạ trong cuộc gặp ngắn ngủi đôi ba tiếng…
Và để sau này, có đi khắp phương trời, các em có thể "tự hào em kể quê mình ở Trường Sa".



Quỳnh Trang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive