Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Nepal - Nơi kinh nguyệt là thứ đáng ghê tởm và phụ nữ bị tuyên án tử mỗi lần đến kỳ

Gauri Kumari Bayak là một cô gái được dân làng yêu mến bởi vì tính cách sôi nổi và tràn đầy năng lượng của mình.


Ở Nepal, người ta coi kinh nguyệt phụ nữ là điều vô cùng kinh khủng
Giọng nói của Bayak dễ nghe và luôn vang khắp cánh đồng mỗi lần cô đi bẻ bắp. Tiếng cười của Bayak thánh thót mỗi lần cô thoăn thoắt chạy xuống sườn đồi để đi tập huấn các lớp kế hoạch hóa gia đình. Mọi người ngưỡng mộ sự tự tin của Bayak.
Nhưng bây giờ, không ai có thể thấy được tất cả những điều đó nữa. Không một ai.
Bayak không chạy lên đồi, không lội xuống suối, không cười nói chuyện trò nữa. 
Bayak chết rồi. Thi thể cô đã được hỏa táng. Quần áo của cô được đem cho những người khác.
Chiếc “Lều kinh nguyệt” của cô - minh chứng của những tập tục mê tín đáng sợ, và phân biệt đối xử với phụ nữ một cách nặng nề - đã bị phá hủy.
Bayak đã phải giam mình ở đó, thoi thóp ở đó, và trút hơi thở cuối cùng ở đó, chỉ bởi vì cô đến kỳ kinh nguyệt.
“Tôi vẫn không thể tin con bé đã không còn nữa.” - Dambar Budha, cha chồng của Bayak, nói chuyện một cách đầy tiếc nuối, khi ông ngồi trên một tảng đá với ánh nhìn xa xăm về phía những ngọn đồi.
1. “Lều kinh nguyệt” - “Án tử” của phụ nữ Nepal



Nằm sâu trong dãy Himalaya, ở khu vực này của Nepal, phụ nữ thường bị đuổi khỏi nhà mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Người ở đây quan niệm rằng kinh nguyệt của phụ nữ là thứ bẩn thỉu, thậm chí còn như “chất độc” gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Có cả một hệ thống áp chế, với những tục lệ cổ hủ, ngặt nghèo được dựng lên để xa lánh phụ nữ tới tháng. 


Bởi vậy, mỗi lần đến kỳ, phụ nữ đều bị cách ly ra khỏi cộng đồng, phải chuyển ra sống trong một chiếc “Lều kinh nguyệt” -  nơi chỉ nhỏ như một cái tủ quần áo với tường được xây bằng đất và đá. Hủ tục này của người Nepal gọi là Chhaupadi,  trong tiếng Nepal có nghĩa là “một kẻ bị vấy bẩn”, và nó đã có mặt ở đất nước này cách đây hàng trăm năm. 
Một phụ nữ có tên Mansali Nepali, ngượng ngùng chỉ căn "lều kinh nguyệt" của cô. Căn lều được làm bằng đá, chỉ cao hơn ba mét. Khi Nepali cúi gập nửa người để bước vào trong, cô vẫn bị cụng đầu vào chỗ khung cửa nhỏ.
Giống như nhiều phụ nữ khác ở đây, cô Nepali tuy đã 35 tuổi nhưng vẫn không biết chữ. Cô chưa bao giờ đi học và có vẻ xấu hổ về sự nghèo khổ của mình. Khuôn mặt cô khắc khổ với đôi má đỏ ửng vì phải lao động vất vả trong một thời gian dài.


Một vấn đề khác mà các phụ nữ tại đây phải đối mặt đó là sa tử cung. Tác nhân chính chủ yếu là do làm việc nặng, hoặc là sinh nở khó, hai nguyên rất phổ biến tại nơi này.
Ở những ngôi làng này, phụ nữ mới là lao động chính trong gia đình. Có những người phụ nữ trung niên còn phải mang trên vai hơn 90kg táo, được cho vào trong hộp và buộc quanh ngực.
Việc phụ nữ hoặc bé gái chết trong các túp lều diễn ra phổ biến đến độ người ta đã quen với chuyện đó. Nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết đó là bị nhiễm lạnh, hít khói độc hoặc bị động vật tấn công.
Tháng 6 vừa rồi, một phụ nữ trẻ đã được phát hiện chết trong một túp "lều kinh nguyệt" do bị rắn cắn. Gia đình cô cố gắng che đậy cái chết bằng cách phá hủy túp lều và nhanh chóng chôn cất thi thể. 
Một số phụ nữ phải ăn và ngủ trong túp lều suốt cả tuần. Khi đến giờ ăn, những phụ nữ này cũng không được phép tự mình nấu ăn mà phải ngồi yên trong lều để chờ người thân mang bữa ăn đến cho họ.


Kokila Bk, 38 tuổi (trái) đang ở trong một cái "lều kinh nguyệt" tại làng Dakohanedada. Cô được con gái mình đem nước cho song không được phép động vào con.
Họ cũng không được phép chạm vào vật nuôi. Nếu một con bê hoặc con dê đi vào trong túp lều của những người phụ nữ này, họ phải la lên để người khác mang con vật ra khỏi đó, vì sợ con vật sẽ bị mắc bệnh. Trong ngày, những người phụ nữ kinh nguyệt vẫn phải làm việc như bao người khác. Nhưng bản thân họ phải đảm bảo là họ không được phép chạm vào ai, trước khi trở lại lều vào ban đêm.



Ở một số ngôi làng khác, phụ nữ khi đến tháng sẽ bị bắt phải sống trong các chuồng bò. Phụ nữ mới sinh cũng bị coi là dơ bẩn, và nhiều người còn bị tách khỏi những đứa con đỏ hỏn của họ trong vài ngày.
Hai năm trước, bà Kunwar, nhân viên của Hội phụ nữ cho biết, một người mẹ đã đặt đứa con của mình trong một chiếc lán khi phải đi ra ngoài, đúng như tập tục yêu cầu. Một con chó đực đã đánh hơi được đứa trẻ và xé xác nó.


Chính phủ Nepal và những nhà hoạt động ủng hộ phụ nữ đang cố gắng để chấm dứt hủ tục này. Bắt đầu từ tháng 8 này, lần đầu tiên trong lịch sử, những kẻ ép buộc phụ nữ phải ra khỏi nhà để sống trong những ngôi lều bẩn thỉu, chật hẹp trên sẽ bị phạt tù đến 3 tháng tù giam, bất chấp việc đó có phải là để bảo vệ truyền thống hay không.
Rất nhiều phụ nữ Nepal vẫn phải tiến hành tập tục này, để thoát khỏi sự trừng phạt hay áp lực từ phía cộng đồng. Họ băng qua những khu rừng tăm tối, nơi mà ngọn lửa mịt mù bốc lên mang theo hơi ấm. Hàng trăm phụ nữ và trẻ em vẫn chưa thể thoát khỏi cái “lều kinh nguyệt” của mình.



“Đó mới chỉ là một phần của những đau khổ và nhục nhã mà phụ nữ phải chịu đựng do những truyền thống khắc nghiệt.” - Pashupati Kunwar, người điều hành một nhóm viện trợ nhỏ để giúp phụ nữ nói. “Bạo lực gia đình vẫn còn đang tiếp diễn. Tỉ lệ tảo hôn vẫn còn cao. Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục mọi người rằng mỗi thời mỗi khác, nhưng những kiểu mê tín thế này thì vẫn còn rất phổ biến."

2. “Kinh nguyệt là thứ bẩn thỉu nhất trên đời!”
Có nhiều tôn giáo tại đây, đặt ra những luật lệ hà khắc liên quan đến kinh nguyệt ở phụ nữ. Và Ấn Độ giáo thì rất chú trọng việc “trong sạch” và “dơ bẩn”. 
Hủ tục Chhaupadi không dễ để xóa bỏ. Mọi người tin rằng phụ nữ đến tháng sẽ làm phật ý các vị thần. Người dân nông thôn có niềm tin mù quáng rằng nếu những người phụ nữ này đi ra ngoài thì sẽ gây bệnh tật, tai họa cho những người trong gia đình họ.


“Những hoạt động này được thực hiện nhân danh bảo vệ sự trong sạch của cộng đồng. Bởi vậy, rất khó để các cá nhân riêng lẻ có thể đem đến sự thay đổi.” - Kathryn March, một nhà nhân chủng học tại Đại học Cornell đã từng làm việc ở Nepal cho biết. Dù vậy, có không ít người đang nỗ lực hết mình để làm điều gì đó tốt đẹp hơn cho những phụ nữ này.
Dharma Raj Kadayat là một trong những nhân vật chống lại tục Chhaupadi sôi nổi nhất. Anh lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở miền tây Nepal. Sống ở Kathmandu, thành phố hiện đại nhất của Nepal đã đem lại cho anh một cái nhìn hoàn toàn khác về tập tục này.
Trong một lần trở lại quê nhà để làm việc như một quản lý cấp cao trong bệnh viện, anh không khỏi xấu hổ khi người thân của mình vẫn đang tiến hành tục Chhaupadi.


Dharma Raja Kadayat với con gái - Apeksha - và vợ Tanki ở làng Radikot. Anh coi Chhapadi là một thứ hủ tục và ủng hộ việc chấm dứt nó.
Một vài năm trước, trong một lễ hội Hindu ở làng, anh đã làm một bài phát biểu. Trong đó có đề cập đến việc những người phụ nữ không muốn phải chui vào trong lều chỉ vì ánh nhìn thiếu thiện cảm của chính người thân khi họ đến kỳ kinh.
“Anh có say không đấy?” Một người đàn ông hét lên từ đám đông để đáp lại bài phát biểu của anh.
Ông Budha, cha chồng của Bayak, nói giờ nhiều người đã sẵn lòng lắng nghe về những hiểm nguy mà Chhaupadi mang lại.
“Tôi bảo “Con dâu tôi đã chết, và con gái các người cũng có thể sẽ bị như vậy”, nhưng họ trả lời rằng “Chúng tôi rất tiếc nhưng đó là văn hóa của cộng đồng”.”
Ông cũng không khỏi đau buồn khi nhớ lại, trước lúc qua đời ở tuổi 20, Bayak là một phụ nữ rất năng nổ, nhiệt tình trong công tác kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ quyền phụ nữ.


“Nhưng ngay cả con bé vẫn làm theo truyền thống này. Áp lực cộng đồng quá lớn. Nếu như con bé không đi đến túp lều dành cho chính mình trong kì kinh nguyệt, nó sẽ cảm thấy xấu hổ.”
Ông nhớ mọi thứ về Bayak: cách cô đọc sách, sự nhiệt tình với mọi thứ trong cuộc sống, hay giọng nói của cô. Bayak chuyển đến sống cùng gia đình chồng sau khi kết hôn và là một thành viên quan trọng trong gia đình. Sau cái chết của cô, một cảm giác tội lỗi đã trào lên trong lòng người bố chồng, khiến ông tự ra tay phá hủy căn "lều kinh nguyệt".
Từ đó, ông luôn khăng khăng yêu cầu vợ mình ngủ ngay trong nhà, kể cả trong kỳ kinh.

“Và anh biết gì không? Không có điềm gở nào xảy ra cả. Suốt những năm qua, chúng tôi đã bị đánh lừa bởi một thứ mê tín ngớ ngẩn.”
Thật khó có thể tin giữa thế kỳ 21 này vẫn còn những hủ tục và sự phân biệt đối xử nặng nề như thế với phụ nữ. Mong rằng các nhà chức trách sẽ sớm nâng cao ý thức cho người dân và có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ phụ nữ và những bé gái.

 CHUHANIE - Theo yan.thethaovanhoa.vn 

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Người già nên ăn như thế nào để giữ sức khỏe

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 22:34, under | No comments

Người cao tuổi mỗi tuần nên ăn ít nhất 3 bữa cá, 3 quả trứng, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thêm lạc, vừng, đậu phụ.


Ảnh nguồn internet

Giảm khẩu phần ăn so với thời trẻ
Nhu cầu năng lượng ở người 60 tuổi giảm 20%, ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Nhu cầu về năng lượng khuyến nghị là 1.700-1.900 kcal mỗi người mỗi ngày. Trong đó, ngũ cốc cung cấp 68%, các chất béo 18% và các chất đạm 14% tổng nhu cầu năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Chỉ số BMI nên duy trì ổn định ở mức 18,5-22,9.
Chế độ ăn chia thành nhiều bữa nhỏ, nhai chậm nhai kỹ thức ăn. Chế biến các món hấp, luộc nhừ thay thế các món rán nướng. Các món ăn chế biến mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để phù hợp với hàm răng yếu và dễ tiêu hóa. Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối. Sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.
Ăn giảm thịt, chất béo và muối
Nhu cầu chất đạm 60-70 g một ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30%. Người cao tuổi ăn ít thịt, thay vào đó là các thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua (100 g tép chứa 910 mg canxi, 100 g cua chứa 5.040 mg canxi). Các protein thực vật như đậu đỗ, vừng lạc, đậu phụ có nhiều chất xơ giúp thải lượng cholesterol. Nên ăn ít nhất mỗi tuần 3 bữa cá, 3 quả trứng và ăn thêm sữa chua (dễ tiêu và có lợi cho tiêu hóa).
Về chất béo, nên ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật, tỷ lệ chất béo thực vật chiếm 35%. Dầu thực vật tốt với người có tăng huyết áp, không có cholesterol và ít axít béo bão hòa hơn mỡ động vật.
Ngoài giảm cơm, người cao tuổi cần chú ý giảm thịt, mỡ, đường. Thịt tính bình quân không vượt quá 1,5 kg đầu người trong một tháng, mỡ và dầu dưới 600 g, đường dưới 500 g.
Ngoài ra, ăn hạn chế các thực phẩm có hàm lượng muối cao như các loại dưa cà muối. Hạn chế những đồ ăn, thức uống gây mất ngủ như cà phê, chè đặc.
Ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá
Nên ăn các thức ăn thực vật như vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín, ăn ít thịt thay vào đó là cá, tôm.
Mỗi gia đình nên có một lọ vừng lạc để bổ sung cho bữa ăn hằng ngày. Mỗi tuần ăn 2-3 bữa cá. Nên ăn cá nhỏ, kho nhừ hai lửa để ăn được cả xương có thêm canxi đề phòng bệnh xốp xương ở người cao tuổi. Ðậu, lạc, vừng, cá có tác dụng phòng, chống các bệnh tim mạch.
Ăn nhiều rau tươi, quả chín
Người có tuổi cần chú ý ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích nhu động ruột, tránh táo bón. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng như chổi quét hết các chất bổ béo thừa đẩy ra theo phân, giúp cơ thể phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Rau tươi, quả chín còn cung cấp các chất dinh dưỡng hết sức quan trọng với người cao tuổi là các vitamin và chất khoáng.
Nhu cầu chất xơ là 25 g một ngày, đặc biệt là chất xơ hòa tan giúp giảm cholesterol và đường máu. Người cao tuổi thường bị loãng xương và thiếu các vitamin, khoáng chất. Vì thế, cần ăn các loại rau xanh, hoa quả giàu vitamin và khoáng chất. Mỗi ngày nên ăn 300 g rau xanh và 100 g hoa quả.
Uống đủ nước theo nhu cầu
Người cao tuổi thường thường uống ít nước do sợ đi tiểu nhiều, mất ngủ. Nước giúp cho tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Uống 1,5-2 lít nước một một ngày, chủ động uống nước không chờ khát mới uống. Nên uống nước trà xanh tốt cho tim mạch và các loại thức uống có tác dụng an thần như hạt sen, chè ngó sen...
Làm chậm quá trình lão hóa và duy trì cân nặng hợp lý bằng việc tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày. Mỗi buổi sáng dậy vận động 30 phút, trưa nằm nghỉ hoặc ngủ 15 phút, tối nên đi bộ 30 phút giúp ngủ ngon hơn. Ði bộ là cách vận động tốt nhất, phù hợp với người cao tuổi và có thể phòng bệnh xơ cứng động mạch, và cải thiện tình trạng đau mỏi xương.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến

Viện Dinh dưỡng Quốc gia




Hệ thống tàu điện ngầm chống bom hạt nhân lâu đời nhất Trung Á

Hệ thống tàu điện ngầm Tashkent ở Uzbekistan mở cửa năm 1977 với các nhà ga được trang trí lộng lẫy.


Một người đàn ông ngồi chờ tàu ở ga Kosmonavtlar. Đây là bến tàu nổi tiếng trang trí bằng ảnh chân dung của các phi hành gia. 

Hệ thống tàu điện ngầm ở Tashkent (Tashkent Metro), thủ đô Uzbekistan là một trong hai hệ thống duy nhất còn vận hành ở Trung Á. Nó được xây dựng từ thời Liên Xô, bắt đầu hoạt động từ năm 1977. Các nhà ga của Tashkent Metro là những nhà ga được trang trí lộng lẫy nhất thế giới, theo Guardian. Vì vai trò thứ hai của hệ thống này là hầm chống bom hạt nhân, nên chính quyền Tashkent cấm chụp ảnh bên trong. Lệnh cấm mới được dỡ bỏ hồi tháng 6/2018.


Chân dung Valentina Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên lên vũ trụ tại ga Kosmonavtlar. Bức tường gốm có màu xanh đậm tới nhạt, thể hiện tầng khí quyển của Trái Đất.


Quốc huy của Uzbekistan, bao bọc bởi cây bông và lúa mỳ - hai sản phẩm nông nghiệp chủ lực của đất nước, trên cùng là ngôi sao Rub El Hizb là một biểu tượng của Hồi giáo - tôn giáo chính ở Uzbekistan; trung tâm là một con chim tượng trưng hạnh phúc, lòng yêu tự do. Phía sau là mặt trời mọc trên núi, hai sông Amu Darya và Syr Darya chảy từ núi.


Một quầy thu ngân tại cổng ra vào tàu điện ngầm. Vé tàu là 1.200 đồng soms (0,15 USD).


Một hành lang lung linh nối hai nhà ga. Sau trận động đất tàn phá Tashkent năm 1966, các nhà hoạch định đã giảm độ sâu của hệ thống tàu điện ngầm. 


Một bức tranh gốm trên tường hiện ra khi tàu lăn bánh khỏi ga Tashkent.


Kiến trúc mái vòm giống nhà thờ Hồi giáo bên trong ga Alisher Navoi.


Một tấm phù điêu lớn trang trí ở cầu thang cuốn ga Alisher Navoi.


Tranh tường kỷ niệm 2.200 năm từ khi Tashkent thành lập bên trong ga tàu cùng tên.


Hành khách tò mò nhìn nhiếp ảnh gia ngoại quốc chụp ảnh hệ thống tàu điện ngầm.


Ga Gafur Qulom đặt theo tên của một nhân sĩ tri thức người Uzbekistan. Thời Liên Xô, các nhà hoạch định xây dựng hệ thống này để phục vụ cho một triệu dân. Dân số thủ đô đạt mốc này vào đầu những năm 1960.


Hành khách vào ga Pakhtakor. Tàu điện ngầm hoạt động từ 5h đến nửa đêm. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, tên của nhiều ga được đặt lại, như ga Cách Mạng Tháng Mười đổi thành ga Amir Temur Khiyoboni (quảng trường Amir Temur).


Các nhân vật trong một bài thơ sử thi do Oybek sáng tác ở nhà ga đặt tên theo thi sĩ này.


Cánh cửa thép này sẽ được đóng lại để che chắn cho quân đội và dân thường nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân. Trong khi các mối đe dọa về tấn công hạt nhân Uzbekistan đã phai mờ, chủ nghĩa khủng bố trở thành mối đe dọa mới. Các khẩu hiệu tuyên truyền như "Nhận thức là yêu cầu của thời đại" được treo nhiều nơi tại Tashkent Metro.

Ảnh: Amos Chapple

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Cuộc đời oai hùng của “Vua Mèo” qua lời kể của cháu nội

Trong môi trường viện dưỡng lão có nhiều người cao tuổi cùng sinh hoạt nên xảy ra khá nhiều chuyện “dở khóc dở cười” ít người biết.


 “Vua Mèo” Vương Chí Sình.

Anh em kết nghĩa với Bác Hồ
Gần đây, dư luận đang quan tâm đến Tòa dinh thự họ Vương ở Đồng Văn, Hà Giang. Ngôi nhà này vốn thuộc sở hữu của con cháu dòng họ Vương thì nay lại được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn.
Ông Vương Duy Bảo – cháu đời thứ 4 của Vương Chính Đức (người xây dựng khu Nhà Vương) đã gửi đơn cầu cứu lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Chia sẻ với phóng viên, ông Vương Duy Bảo – cháu nội của “Vua Mèo” cho hay, lâu nay, mọi người vẫn đang nhầm lẫn với danh xưng “Vua Mèo”.
“Vua Mèo là tên được người dưới xuôi, cán bộ Việt Minh lên dùng để gọi Vương Chí Sình, con trai của Vương Chính Đức. Còn Vương Chính Đức được người Mông xưa kia phong làm thủ lĩnh”, ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, Vương Chí Sình (1886 – 1962), tên tiếng Mông là Vàng Seo Lử. Ông là con trai út của Vương Chính Đức. Do tính tình hiền lành, giải dị, chịu khó nên ngay từ nhỏ ông đã được Vương Chính Đức hướng đến là người kế tục sự nghiệp họ Vương.
Thuở nhỏ, ông được Vương Chính Đức cho sang Vân Nam (Trung Quốc) để học. Ông Sình cũng hay lân la theo chân những người Pháp ở Đồng Văn để theo học tiếng Pháp. Vì thế, ông biết được nhiều ngoại ngữ.
Lớn lên, Vương Chí Sình bắt đầu với công việc buôn bán. Ông thường đem thuốc phiện xuống Hà Nội, Hải Phòng bán, rồi lại mua các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm như dầu hỏa, thuốc chữa bệnh, vải vóc… đem lên Đồng Văn bán. Nhờ đó, Vương Chí Sình thu được rất nhiều vàng, bạc hoa xòe.
Năm 1903, khi có nhiều tiền, Vương Chí Sình đã cho xây dựng tại thị trấn Phó Bảng của huyện Đồng Văn một tòa nhà theo kiến trúc Pháp – Trung Quốc, mọi người thường gọi là “Tòa Nhà Trắng”. Đây là văn phòng giao dịch buôn bán và cùng là nơi Vương Chí Sình sinh sống chủ yếu cùng các bà vợ hai, ba, tư.


Dinh thự họ Vương nằm dưới chân thung lũng Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang.

Để mở rộng việc buôn bán, năm 1935, Vương Chí Sình đã mua căn nhà số 55 Hàng Đường, Hà Nội để làm nơi trung chuyển hàng hóa từ Đồng Văn xuống và từ Hải Phòng lên. Đây cũng là nơi ở cuối đời của ông.
Năm 1945, Bác Hồ cử ông Hoàng Việt Hưng (cán bộ Việt Minh) lên giác ngộ Vương Chính Đức và có thư mời ông về Hà Nội. Do tuổi cao sức yếu, Vương Chính Đức đã tiến cử Vương Chí Sình về Hà Nội gặp Bác Hồ.
Sau khi được giác ngộ về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Bác Hồ, Vương Chí Sình rất cảm phục và nhận làm anh em kết nghĩa với Bác Hồ. Ông được Bác Hồ đặt cho một tên gọi khác là Vương Chí Thành.
Gắn bó, một lòng đi theo cách mạng
Sau cuộc gặp gỡ với Bác Hồ, Vương Chí Sình đã hứa đi theo cách mạng, đi theo Bác Hồ. Ông tham gia vào Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và được giao trọng trách làm Chủ tịch huyện Đồng Văn. Huyện Đồng Văn khi đó bao gồm 4 huyện bây giờ là Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc.


 Tòa dinh thự này được bố “Vua Mèo” xây dựng với kinh phí 15.000 đồng bạc hoa xòe.

Năm 1946, khi Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngân khố Chính phủ Việt Minh gần như cạn kiệt, Vương Chí Sình đã ủng hộ Chính phủ 2,2 triệu đồng bạc hoa xòe và 7kg vàng.
Để khẳng định tình cảm và lòng tin với Vương Chí Sình, Bác Hồ đã cử ông Bùi Công Trừng mang 2 kỷ vật lên Sà Phìn tặng ông. Đó là tấm áo trấn thủ của Hội Phụ nữ tỉnh Hải Dương tặng Bác và thanh đao do xưởng Quân giới Việt Bắc rèn có 8 chữ do chính tay Bác viết: “Tận trung báo quốc. Bất thụ nô lệ”.
Đầu năm 1947, mảnh đất Đồng Văn diễn biến hết sức phức tạp. Thực dân Pháp, phát xít Nhật và quân Tưởng Giới Thạch tranh nhau lôi kéo các dân tộc, những người nhẹ dạ để chống phá cách mạng. Tuy nhiên, Vương Chí Sình vẫn quyết tâm đi theo Bác Hồ, giữ đúng lời hứa “Giữ mảnh đất Đồng Văn cho cách mạng”.
Cùng năm này, bố “Vua Mèo” là ông Vương Chính Đức qua đời. Bác Hồ đã cử ông Mai Trung Lâm, Phó tư lệnh bộ đội Biên phòng khu tự trị Việt Bắc và ông Hoàng Đức Thắng, Thành ủy viên Hà Nội lên cùng con cháu họ Vương chôn cất ông Đức trên đỉnh núi La Gia Động, cách Sà Phìn 3 km.
Năm 1950, ông Vương Chí Sình đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực của ta hành quân bí mật hành quân qua Đồng Văn, Mèo Vạc để sang đất Cao Bằng chiến đấu cho mặt trận biên giới thu đông.


Tòa dinh thự họ Vương giờ trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với các du khách khi đến Hà Giang.

Khi Nhật đảo chính Pháp, một trung đội Nhật đã lên Phó Bảng với ý định tiêu diệt Vương Chí Sình. Tuy nhiên, vị “Vua Mèo” đã cùng các thủ lĩnh người Mông đánh tan trung đội Nhật.
Khi hòa bình lập lại, ghi nhận công lao to lớn của Vương Chí Sình, Đảng và Bác Hồ đã có nhiều phẩn thưởng cao quý trao cho ông. Nhưng lớn hơn cả là ngày 31/10/2006, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng huân chương Đại đoàn kết Dân tộc vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

9 tuổi khởi nghiệp, 13 tuổi thành CEO trẻ nhất nước Mỹ, cô bé gốc Phi khiến thế giới “ngả mũ thán phục” vì tư duy khác biệt!

Mới 13 tuổi song cô bé người Mỹ gốc Phi có niềm đam mê kinh doanh và sở hữu thương hiệu giải khát nổi tiếng khắp nước Mỹ. Đằng sau sự thành công, tự lập ấy của vị CEO “nhi đồng” là những khó khăn và bài học đắt giá về cách bắt đầu phát triển một doanh nghiệp.


Khởi nghiệp năm 9 tuổi đầy khó khăn của vị CEO nhỏ tuổi


Mikaila Ulmer là sáng lập, CEO của thương hiệu nước chanh Me & the Bees Lemonade từ năm 9 tuổi.

Mikaila Ulmer là CEO 13 tuổi của công ty nước chanh ép Me & The Bees Lemonade và có trụ sở tại Austin, bang Texa. Nước chanh ép của Mikaila Ulmer hiện đang được bán tại hơn 500 cửa hàng trên khắp nước Mỹ.
Với con số 360.000 chai nước chanh được đưa ra thị trường mỗi năm, và được xuất hiện chuỗi siêu thị siêu thị Whole Foods Market, Mikaila được coi là một trong những chủ doanh nghiệp trẻ nhất ở Mỹ.
Với sự giúp đỡ liên tục của cha mẹ, Mikaila bắt đầu bán nước chanh của mình vào năm 2009. Cửa hàng lúc đó đơn giản chỉ gồm một chiếc bàn nhỏ để cô bé bày biện những chai nước chanh tự làm. Sản phẩm đặc biệt ở chỗ, nó được pha chế theo công thức những năm 1940 từ bà ngoại của Mikaila.
Công thức bao gồm cả mật ong, và khoảng thời gian đó, Mikaila liên tục bị ong đốt trong hai tuần để có được nguyên liệu này. Cha mẹ cô khuyên cô nên làm một số nghiên cứu để hiểu rõ hơn về loài ong như :quá trình thụ phấn và hệ sinh thái của chúng.
Từ đó, Mikaila đã tặng 10% lợi nhuận việc bán nước chanh quyên góp cho các tổ chức bảo vệ ong mật.
Đến đầu năm 2017, Mikaila còn sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Healthy Hive Foundation nhằm bảo tồn loài ong mật khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Khó khăn bắt đầu với cô bé, khi cô cần phải trả lời được câu hỏi của bố mẹ: "Ai sẽ là người thực sự phụ trách việc kinh doanh này?”.
Makaila đã phải bắt đầu với việc thiết kế logo, tìm nhà máy sản xuất, phân phối sản phẩm đến cửa hàng. Cô bé chia sẻ: "Cháu không thể làm được những công việc này một mình, cháu không biết bắt đầu từ đâu".
Không chỉ vậy, cô bé còn gặp khó khăn về việc học tập trên trường. CEO 13 tuổi chia sẻ: ''Thật không dễ khi phải làm nhiều việc cùng lúc. Có lúc cháu phải nghỉ học để tham gia phỏng vấn hay chương trình TV, và ngược lại, bỏ lỡ một buổi lên hình vì kỳ thi trên lớp''.

Tư duy độc lập và biết lắng nghe
Thực tế, cha mẹ cô bé đều có bằng cấp kinh doanh và nền tảng trong lĩnh vực tiếp thị và sẵn sáng giúp đỡ cô bé.
Cô bé cho biết: "Tất cả các thành viên trong gia đình đều đóng vai trò là đồng sáng lập, có quyền đưa ra quyết định trong các hoạt động kinh doanh".
"Ngoài ra, cháu còn nhỏ... cháu biết mình không biết tất cả về mọi thứ, và vì vậy, cháu luôn lắng nghe và cân nhắc những lời khuyên và ý kiến từ bố mẹ, cháu nghĩ tinh thần làm việc đồng đội sẽ giúp chúng ta giảm bớt khó khăn và tìm ra được đường đi đúng cho công ty của mình".

Mục tiêu rõ ràng và đầy tham vọng của CEO 13 tuổi
Bước ngoặt lớn cho công ty của cô bé là vào năm 2015, khi Mikaila 9 tuổi, cô đã giành được hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng của Whole Foods Market.
Người đại diện của Whole Foods Market cho biết: "Mikaila và công ty của cô bé đã thu hút sự chú ý của chúng tôi về chiến lược kinh doanh và uy tín về sản phẩm mà cô bé cùng bố mẹ mang lại". "Makaila có một sản phẩm độc đáo, có hương vị tuyệt vời, và là một người sáng lập đam mê, mạnh mẽ, có nhận thức về tầm quan trọng của các loài thụ phấn".
Năm 2015, Mikaila đã được người xem truyền hình trên khắp nước Mỹ biết đến, vì cô dũng cảm đăng kí chương trình thực tế kinh doanh Shark Tank Mỹ trên kênh ABC với bài thuyết trình kêu gọi vốn đầu tư cho công ty Me & The Bees Lemonade của mình. Sau đó, cô thành công với vốn đầu tư 60.000 đô la từ ông Daymond John, ông chủ của công ty may mặc FUBU. Năm 2017, một tập đoàn các cựu cầu thủ bóng đá Mỹ ngỏ lời muốn đầu tư 800.000 USD.


Milaika Ulmer từng có cơ hội gặp gỡ cựu Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng.

Mikaila tiếp tục giành được nhiều giải thưởng cho các doanh nhân trẻ người Mỹ gốc Phi, và cô đã từng có cơ hội trò chuyện thân mật với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Barack Obama đã dành nhiều lời khen ngợi tới vị CEO nhí này, ông cũng giới thiệu cô bé với hội nghị thượng đỉnh khởi nghiệp của phụ nữ do Liên Hợp Quốc tổ chức. Phát biểu tại hội nghị, cô bé chia sẻ:''Cháu đang có rất nhiều dự định, nhưng như cha vẫn nói, hãy đi từng bước và hoàn thiện những mục tiêu nhỏ''.
Ông Geoffrey Soares, chủ của tập đoàn Summit Beverage, đồng thời là đơn vị cung cấp chai đóng hộp cho công ty Me & The Bees Lemonade, cho rằng Mikaila là một đại sứ thương hiệu tuyệt vời. Ông nhận định: ''Sản phẩm của bạn có thể tốt, nhưng nếu không có một câu chuyện thú vị, thì thương hiệu của bạn cũng khó được công chúng biết tới. Đó là sự thật trong ngành công nghiệp đầy cạnh tranh này''. "Makaila là cô bé có niềm đam mê lớn, có trách nhiệm và gia đình họ đã làm tốt việc quản lý, phát triển công ty nước ép chanh này".
Dù đam mê kinh doanh và có rất nhiều ý tưởng kinh doanh, nhưng cô bé vẫn đặt vấn đề học tập tại trường là việc trước mắt cần hoàn thành, và cô cần dành nhiều thời gian để tập trung vào việc này.
CEO nhí của công ty Me & The Bees Lemonade không ngại tiết lộ về mục tiêu trong năm 2018, cô muốn đa dạng hóa sản phẩm nước chanh mật ong của mình và đưa ra thị trường quốc tế và đặt hàng thông qua các trang web. Ngoài ra, Makala sẽ xuất bản một cuốn sách về những điều bản thân đã trải qua khi khởi nghiệp.
Nói về khởi nghiệp, CEO 13 tuổi tâm sự: ''Không bao giờ là quá vội để nuôi ước mơ khởi nghiệp. Cháu bắt đầu bán những chai nước chanh đầu tiên vào năm bốn tuổi để phụ giúp gia đình. Đó cũng là kinh doanh. Những ý tưởng sẽ lớn dần từ đó''.

Theo Nguyễn Nguyễn

Trí Thức Trẻ/BBC

Người Nhật chỉ mất 10 phút để nghêu, sò nhả hết cát, rau héo được “hồi sinh”, thịt cá tươi roi rói nhờ cách pha nước đơn giản không ngờ

Nhưng đó vẫn chưa phải là công dụng cuối cùng đâu, cách pha nước của người Nhật còn để rã đông thực phẩm đông lạnh như thịt bò, thịt heo, gà.


Người Nhật sử dụng một loại "nước thần" để "cải tử hoàn đồng" cho thực phẩm, giúp thực phẩm héo úa trở nên tươi hơn, sạch hơn, bảo quản được lâu hơn.
Và bạn biết không, nhiều người đã rất bất ngờ khi biết loại nước thần đó chỉ đơn giản là nước sạch được pha ở nhiệt độ 50 độ C mà thôi.
Theo ông Kazumasa Hirayama - đại diện của Hiệp hội nghiên cứu Công nghệ Nấu ăn khẳng định rằng rửa thực phẩm trong nước ấm 50 độ C sẽ giúp thực phẩm héo úa sẽ tươi trở lại.
Quán Dellis ở Nhật Bản đã áp dụng phương pháp này và mang đến hiệu quả bất ngờ. Người đại diện của quán ăn đã khẳng định với Yahoo Japan rằng rau củ quả sẽ tươi tắn lại chỉ sau 3 đến 5 phút rửa trong nước ấm 50 độ C.
Khi được rửa với nước có nhiệt độ này, màng tế bào của rau xanh sẽ mở ra để nước thâm nhập, cung cấp nước cho rau và nhờ vậy chúng sẽ tươi trở lại. Còn với trái cây, các loại củ, rửa với nước ấm 50 độ C sẽ giúp chúng mau chín hơn và ngọt hơn chỉ trong 2 đến 3 ngày trữ trong tủ lạnh.


Rau củ quả sẽ tươi tắn lại chỉ sau 3 đến 5 phút rửa trong nước ấm 50 độ C. (Ảnh: Internet)

Với thực phẩm giàu protein như thịt, cá, các loại dầu bị oxy hóa sẽ bị cuốn trôi đi, giúp thực phẩm ngon hơn, tươi lâu hơn. Nhờ nước ấm 50 độ C, mọi bụi bẩn bám trên thực phẩm, kể cả các loại côn trùng nhỏ cũng được gột rửa sạch hơn và dễ dàng hơn.
Đặc biệt, với các loại hải sản như nghêu, sò, ốc… nước ấm 50 độ C chính là bí quyết để làm sạch cát.
Đây chính là cách người Nhật thường xuyên áp dụng bởi chỉ sau 10 phút ngâm trong nước ấm 50 độ C, nghêu, sò, ốc sẽ sạch hết cát và tươi ngon vô cùng.
Nhưng đó vẫn chưa phải là công dụng cuối cùng của nước ấm 50 độ C mà bạn biết không, đây còn là nhiệt độ lý tưởng để rã đông thực phẩm đông lạnh như thịt bò, thịt heo, gà.


(Ảnh: Internet)

Làm thế nào để có được nước ấm 50 độ C để rửa rau, rửa thịt cá? Đơn giản thôi, bạn chỉ cần pha nước thường và nước vừa sôi theo tỉ lệ 1:1 là sẽ có được nước ấm 50 độ C rồi đấy.
Nhớ rằng nhiệt độ của nước không được xuống thấp hơn 43 độ C bởi đó là lúc vi khuẩn có thể phát triển. Vì vậy, bạn nên kiểm tra nhiệt độ thường xuyên và thay nước mới nếu như nhiệt độ đã xuống thấp hơn.
Hãy áp dụng và chia sẻ bí quyết này đến mọi người nhé.

(Nguồn: soranews24)

Theo Newben

HELINO


Blog Archive