Ở cái tuổi trên dưới 100, nhưng các cụ già ở xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình vẫn đi lên rừng hái củi, hái thuốc, tự làm được mọi công việc bình thường mà không cần đến sự trợ giúp của con cháu. Có lẽ bởi vậy mà nơi đây được mệnh danh là “Thung lũng tiên”, “Thung lũng trường thọ”.
Ân hưởng tuổi giời
Đường đến xã Vân Sơn quanh co, heo hút, phải mất hơn 2 tiếng đồng
hồ chúng tôi mới đặt chân được đến mảnh đất được mệnh danh là “chốn bồng lai
tiên cảnh”, quanh năm mây trắng bao phủ, khí hậu trong lành này.
Vân Sơn, trước đây vẫn được gọi là Lũng Vân hay Thung Mây còn có
tên xa xưa là Mường Chậm nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao sừng sững. Cái tên
Lũng Vân có lẽ được bắt nguồn từ đặc trưng của một thung lũng với bốn bề là núi
cao dựng đứng quanh năm được mây bao phủ, là một trong 4 cái nôi văn hóa lớn và
cổ xưa nhất ở xứ Mường Hòa Bình. Cùng với những huyền thoại, cùng với cảnh đẹp
mà không ít người đã phải thốt lên đầy kinh ngạc khi đặt chân lên vùng đất này
là một cuộc sống thanh bình như ở chốn tu tiên.
Một góc bình yên xóm Chiềng, Vân Sơn.
Vân Sơn hiện vẫn bị xếp vào xã nghèo nhất nhì huyện Tân Lạc, nhưng
con người nơi đây là có tuổi thọ “sánh cùng trời đất”. Cả xã có hơn 400 nóc nhà
với hơn 2.000 nhân khẩu thì có rất nhiều cụ già thọ trên dưới 100 tuổi mà vẫn
minh mẫn, khỏe mạnh.
Anh Bùi Văn Thắng, cán bộ UBND xã Vân Sơn tự hào khoe với chúng
tôi: "Chẳng nơi đâu mỗi độ tết đến, xuân về lại được Chủ tịch nước tặng
quà nhiều như ở Vân Sơn này cả". Theo thống kê thì xã có tới 70 người trên
80 tuổi, hơn 10 cụ gần 100 tuổi, 3 cụ hơn 100 tuổi. Người thọ nhất là cụ Đinh
Thị Huệ, sinh năm 1897, mất vào năm 2011, thọ 114 tuổi; trước đây cũng có 2 cụ
ở xóm Chiềng mất lúc 112 tuổi.
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Đinh Thị Xởm, 96 tuổi. Nhà cụ Xởm có 4
thế hệ cùng chung sống. Con trai, con dâu cụ năm nay cũng đã gần 80 hàng ngày
vẫn lên nương rẫy. Cháu trai cháu dâu đi làm công nhân ở dưới Hà Nội. Cụ ở nhà
chăn gà, chăn vịt, kiếm quả trứng, ít thịt bổ sung thực phẩm cho gia đình.
Tháng nào dư dả lại mang ra chợ bán kiếm thêm đồng quà tấm bánh, mua thêm thịt
cá cho các chắt. Mấy đứa chắt của cụ học gần nhà nên ngày nào cụ cũng dậy sớm
hơn con cháu để chuẩn bị cơm sáng cho cả nhà. Chẳng khi nào cụ ngồi yên, nấu
cơm xong lại nấu cám, băm bèo cho lợn. Rảnh rỗi, xong việc nhà, cụ lại đi bộ
quanh làng trò chuyện, buôn bán với hàng xóm láng giềng.
Cụ Bùi Thị Ón, 106 tuổi, vẫn khâu vá như thường.
Chúng tôi gặp cụ Hà Thị Thiên, 94 tuổi ngay tại phiên chợ nhỏ ở
trung tâm xã. “Gian hàng” nhỏ đơn sơ có vài túm tỏi ta chính tay cụ trồng, vài
gói thuốc chữa bệnh dạ dày, đau xương khớp mà cụ tự tay lên rừng hái đem về
phơi rồi xao khô. Đông con đông cháu nhưng không muốn phiền luỵ đến ai, cụ ở
một mình, hàng ngày tự lên rừng hái lá thuốc đem về bán. “Bao nhiêu năm nay chả
mất đồng thuốc tây nào, bà tự đi hái thuốc về vừa để chữa bệnh cho mình, cho
con cháu mình, vừa để bán kiếm thêm đồng ra đồng vào. Ở đây, nhiều người già
như cụ lắm, vẫn khoẻ mạnh, làm việc nhà bình thường các cô ạ”, cụ Thiên khoe.
Cụ Hà Thị Chủm, 97 tuổi, có 6 người con trai, nhưng cụ cũng không
ở với ai. Móm mém nói giọng dân tộc, chúng tôi không nghe ra phải nhờ một chị
hàng xóm phiên dịch. Cụ bảo ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ vẫn lên rừng kiếm
củi đem về bán. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ vừa là bếp vừa là chỗ ở, cụ chất cả
một đống củi lớn, chiếm nửa diện tích ngôi nhà. Cụ bảo, không muốn phiền con
cháu, còn tự làm tự ăn được cụ thích ở một mình. “Mỗi bó củi to bán chỉ được
vài chục nghìn đồng, nhưng già rồi, ăn ít, nên cũng chẳng tốn là bao. Hết tiền
thì đem củi đi bán, còn tiền thì cứ chất củi trong nhà để dự trữ thôi”, cụ Chủm
móm mém chia sẻ với chúng tôi.
Cụ Hà Thị Chủm, 97 tuổi, vẫn lên rừng hái củi.
Ở xóm Chiềng, cụ Bùi Thị Ón là lớn tuổi nhất, năm nay đã 106 tuổi.
Cụ sống cùng con trai thứ hai, nhà cụ cả 5 thế hệ sinh sống. Trước đây, khi còn
khoẻ, cụ vẫn lên nương lên rẫy cùng các con, làm việc nhà. 2 năm trước, sau lần
bị ngã, không đi lại được bình thường, cụ đành phải ngồi một chỗ nhờ con cháu
cơm nước hộ. Thế nhưng khi nhắc về cụ, con trai cụ dù đã 83 tuổi nhưng vui vẻ,
tự hào khoe: “Cụ vẫn tinh tường lắm, vẫn xâu kim khâu vá như thường. Mọi sinh
hoạt cá nhân vẫn tự làm hết, không phiền đến con cháu. Trước đây còn khoẻ là đi
làm nương làm rẫy suốt. Con cháu không cho đi có khi còn giận”. Ở xóm Chiềng,
còn duy nhất cụ Ón là bậc cao niên, nhưng số các cụ già hơn 80, gần 90 thì
nhiều lắm.
Bí quyết trường thọ
Hỏi bí quyết nào để trường thọ, các cụ già trong thung lũng chỉ
cười. Họ bảo chắc do khí hậu quanh năm ôn hoà, mọi thứ đều tự cung tự cấp, ăn
uống hít thở đều sạch, lại chăm chỉ "dậy sớm cùng ông mặt trời rồi đi làm
nương, làm rẫy".
Cụ Hà Thị Thiên vẫn lên rừng hái thuốc về bán.
Vân Sơn là sự hòa hợp của ba con suối lớn: Suối Hượp, suối Trong
và Suối Miêu. Người trong bản bao đời dùng nước đó sinh hoạt, tất cả đều từ
núi, từ rừng. Điều đặc biệt, người Vân Sơn không bao giờ ăn gan động vật. Trà
uống hàng ngày của người Vân Sơn đều là các vị thuốc được lấy trong rừng về
phơi khô rồi đun lấy nước uống. Loại nước này được người Vân Sơn dùng để chống
chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Mùa hè uống sẽ hạ nhiệt nhanh chóng, cảm giác mát lạnh, mùa đông
lại có thể giữ ấm cho cơ thể rất tốt trước cái lạnh khiến nước đóng băng (nhiệt
độ của Vân Sơn luôn thấp hơn nhiệt độ vùng khác 7 độ C). Đó là loại nước
"đàn bà uống vào nhiều sữa, đàn ông uống vào tráng kiện". Lá trên
núi, vỏ cây trong rừng, người dân Vân Sơn không có tên gọi cụ thể cho từng loại
nhưng quanh năm uống bằng thứ nước ấy. Và chỉ có họ mới biết lá nào, vào mùa
nào là không nên hái. Thời tiết ở Vân Sơn gần như lạnh quanh năm nên việc uống
nước nấu nóng là lẽ tự nhiên. Vào những ngày trời ấm thì người ta vẫn uống trực
tiếp nguồn nước chảy ra từ các khe đá. Cuộc sống gần như theo lối "tự cung
tự cấp" nên ô nhiễm môi trường chưa bao giờ xuất hiện.
Phải đặt chân đến Vân Sơn mới cảm nhận được thiên nhiên trong lành
mà không phải nơi nào cũng có được. Có lẽ vì đặc thù khí hậu, địa hình, vì nổi
tiếng là “thung lũng trường thọ” nên vài năm trở lại đây, Vân Sơn và nhiều xã
vùng cao của huyện Tân Lạc trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch cũng như
các nhà đầu tư.
Cụ Đinh Thị Xởm, 96 tuổi, vẫn cơm nước cho con cháu.
Ông Hà Văn Huê, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết, bên cạnh chính
sách đầu tư của nhà nước, hiện nay có một số doanh nghiệp đến đầu tư phát triển
du lịch, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp đầu tư
làm ăn. Đặc biệt là đẩy mạnh trồng cây ăn quả, đặc sản địa phương, sản xuất
nông nghiệp, trồng rau sạch... Giải thích về việc sống thọ của người Vân Sơn,
ông Huê cho biết: có lẽ là do thời tiết hiền hòa, mát mẻ. Hơn nữa ở đây có
nhiều cây thuốc quý.
Hiện nay, huyện Tân Lạc đã có 6 dự án được quyết định chủ trương
đầu tư, tổng mức đầu tư trên 2.180 tỷ đồng; 9 dự án đang nghiên cứu, đề xuất
đầu tư, tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức ngày 25-12-2020, ông Ngô Văn
Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, cũng nhấn mạnh: Với bản sắc văn hóa dân tộc độc
đáo, đặc sắc, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, khí hậu trong lành, tài
nguyên thiên nhiên ưu đãi, huyện Tân Lạc có thế mạnh để phát triển du lịch,
thương mại, nông - lâm nghiệp. Đặc biệt là các xã còn khó khăn nhưng có tiềm
năng du lịch như Vân Sơn, Suối Hoa…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét