Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Nepal - Nơi kinh nguyệt là thứ đáng ghê tởm và phụ nữ bị tuyên án tử mỗi lần đến kỳ

Gauri Kumari Bayak là một cô gái được dân làng yêu mến bởi vì tính cách sôi nổi và tràn đầy năng lượng của mình.


Ở Nepal, người ta coi kinh nguyệt phụ nữ là điều vô cùng kinh khủng
Giọng nói của Bayak dễ nghe và luôn vang khắp cánh đồng mỗi lần cô đi bẻ bắp. Tiếng cười của Bayak thánh thót mỗi lần cô thoăn thoắt chạy xuống sườn đồi để đi tập huấn các lớp kế hoạch hóa gia đình. Mọi người ngưỡng mộ sự tự tin của Bayak.
Nhưng bây giờ, không ai có thể thấy được tất cả những điều đó nữa. Không một ai.
Bayak không chạy lên đồi, không lội xuống suối, không cười nói chuyện trò nữa. 
Bayak chết rồi. Thi thể cô đã được hỏa táng. Quần áo của cô được đem cho những người khác.
Chiếc “Lều kinh nguyệt” của cô - minh chứng của những tập tục mê tín đáng sợ, và phân biệt đối xử với phụ nữ một cách nặng nề - đã bị phá hủy.
Bayak đã phải giam mình ở đó, thoi thóp ở đó, và trút hơi thở cuối cùng ở đó, chỉ bởi vì cô đến kỳ kinh nguyệt.
“Tôi vẫn không thể tin con bé đã không còn nữa.” - Dambar Budha, cha chồng của Bayak, nói chuyện một cách đầy tiếc nuối, khi ông ngồi trên một tảng đá với ánh nhìn xa xăm về phía những ngọn đồi.
1. “Lều kinh nguyệt” - “Án tử” của phụ nữ Nepal



Nằm sâu trong dãy Himalaya, ở khu vực này của Nepal, phụ nữ thường bị đuổi khỏi nhà mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Người ở đây quan niệm rằng kinh nguyệt của phụ nữ là thứ bẩn thỉu, thậm chí còn như “chất độc” gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Có cả một hệ thống áp chế, với những tục lệ cổ hủ, ngặt nghèo được dựng lên để xa lánh phụ nữ tới tháng. 


Bởi vậy, mỗi lần đến kỳ, phụ nữ đều bị cách ly ra khỏi cộng đồng, phải chuyển ra sống trong một chiếc “Lều kinh nguyệt” -  nơi chỉ nhỏ như một cái tủ quần áo với tường được xây bằng đất và đá. Hủ tục này của người Nepal gọi là Chhaupadi,  trong tiếng Nepal có nghĩa là “một kẻ bị vấy bẩn”, và nó đã có mặt ở đất nước này cách đây hàng trăm năm. 
Một phụ nữ có tên Mansali Nepali, ngượng ngùng chỉ căn "lều kinh nguyệt" của cô. Căn lều được làm bằng đá, chỉ cao hơn ba mét. Khi Nepali cúi gập nửa người để bước vào trong, cô vẫn bị cụng đầu vào chỗ khung cửa nhỏ.
Giống như nhiều phụ nữ khác ở đây, cô Nepali tuy đã 35 tuổi nhưng vẫn không biết chữ. Cô chưa bao giờ đi học và có vẻ xấu hổ về sự nghèo khổ của mình. Khuôn mặt cô khắc khổ với đôi má đỏ ửng vì phải lao động vất vả trong một thời gian dài.


Một vấn đề khác mà các phụ nữ tại đây phải đối mặt đó là sa tử cung. Tác nhân chính chủ yếu là do làm việc nặng, hoặc là sinh nở khó, hai nguyên rất phổ biến tại nơi này.
Ở những ngôi làng này, phụ nữ mới là lao động chính trong gia đình. Có những người phụ nữ trung niên còn phải mang trên vai hơn 90kg táo, được cho vào trong hộp và buộc quanh ngực.
Việc phụ nữ hoặc bé gái chết trong các túp lều diễn ra phổ biến đến độ người ta đã quen với chuyện đó. Nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết đó là bị nhiễm lạnh, hít khói độc hoặc bị động vật tấn công.
Tháng 6 vừa rồi, một phụ nữ trẻ đã được phát hiện chết trong một túp "lều kinh nguyệt" do bị rắn cắn. Gia đình cô cố gắng che đậy cái chết bằng cách phá hủy túp lều và nhanh chóng chôn cất thi thể. 
Một số phụ nữ phải ăn và ngủ trong túp lều suốt cả tuần. Khi đến giờ ăn, những phụ nữ này cũng không được phép tự mình nấu ăn mà phải ngồi yên trong lều để chờ người thân mang bữa ăn đến cho họ.


Kokila Bk, 38 tuổi (trái) đang ở trong một cái "lều kinh nguyệt" tại làng Dakohanedada. Cô được con gái mình đem nước cho song không được phép động vào con.
Họ cũng không được phép chạm vào vật nuôi. Nếu một con bê hoặc con dê đi vào trong túp lều của những người phụ nữ này, họ phải la lên để người khác mang con vật ra khỏi đó, vì sợ con vật sẽ bị mắc bệnh. Trong ngày, những người phụ nữ kinh nguyệt vẫn phải làm việc như bao người khác. Nhưng bản thân họ phải đảm bảo là họ không được phép chạm vào ai, trước khi trở lại lều vào ban đêm.



Ở một số ngôi làng khác, phụ nữ khi đến tháng sẽ bị bắt phải sống trong các chuồng bò. Phụ nữ mới sinh cũng bị coi là dơ bẩn, và nhiều người còn bị tách khỏi những đứa con đỏ hỏn của họ trong vài ngày.
Hai năm trước, bà Kunwar, nhân viên của Hội phụ nữ cho biết, một người mẹ đã đặt đứa con của mình trong một chiếc lán khi phải đi ra ngoài, đúng như tập tục yêu cầu. Một con chó đực đã đánh hơi được đứa trẻ và xé xác nó.


Chính phủ Nepal và những nhà hoạt động ủng hộ phụ nữ đang cố gắng để chấm dứt hủ tục này. Bắt đầu từ tháng 8 này, lần đầu tiên trong lịch sử, những kẻ ép buộc phụ nữ phải ra khỏi nhà để sống trong những ngôi lều bẩn thỉu, chật hẹp trên sẽ bị phạt tù đến 3 tháng tù giam, bất chấp việc đó có phải là để bảo vệ truyền thống hay không.
Rất nhiều phụ nữ Nepal vẫn phải tiến hành tập tục này, để thoát khỏi sự trừng phạt hay áp lực từ phía cộng đồng. Họ băng qua những khu rừng tăm tối, nơi mà ngọn lửa mịt mù bốc lên mang theo hơi ấm. Hàng trăm phụ nữ và trẻ em vẫn chưa thể thoát khỏi cái “lều kinh nguyệt” của mình.



“Đó mới chỉ là một phần của những đau khổ và nhục nhã mà phụ nữ phải chịu đựng do những truyền thống khắc nghiệt.” - Pashupati Kunwar, người điều hành một nhóm viện trợ nhỏ để giúp phụ nữ nói. “Bạo lực gia đình vẫn còn đang tiếp diễn. Tỉ lệ tảo hôn vẫn còn cao. Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục mọi người rằng mỗi thời mỗi khác, nhưng những kiểu mê tín thế này thì vẫn còn rất phổ biến."

2. “Kinh nguyệt là thứ bẩn thỉu nhất trên đời!”
Có nhiều tôn giáo tại đây, đặt ra những luật lệ hà khắc liên quan đến kinh nguyệt ở phụ nữ. Và Ấn Độ giáo thì rất chú trọng việc “trong sạch” và “dơ bẩn”. 
Hủ tục Chhaupadi không dễ để xóa bỏ. Mọi người tin rằng phụ nữ đến tháng sẽ làm phật ý các vị thần. Người dân nông thôn có niềm tin mù quáng rằng nếu những người phụ nữ này đi ra ngoài thì sẽ gây bệnh tật, tai họa cho những người trong gia đình họ.


“Những hoạt động này được thực hiện nhân danh bảo vệ sự trong sạch của cộng đồng. Bởi vậy, rất khó để các cá nhân riêng lẻ có thể đem đến sự thay đổi.” - Kathryn March, một nhà nhân chủng học tại Đại học Cornell đã từng làm việc ở Nepal cho biết. Dù vậy, có không ít người đang nỗ lực hết mình để làm điều gì đó tốt đẹp hơn cho những phụ nữ này.
Dharma Raj Kadayat là một trong những nhân vật chống lại tục Chhaupadi sôi nổi nhất. Anh lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở miền tây Nepal. Sống ở Kathmandu, thành phố hiện đại nhất của Nepal đã đem lại cho anh một cái nhìn hoàn toàn khác về tập tục này.
Trong một lần trở lại quê nhà để làm việc như một quản lý cấp cao trong bệnh viện, anh không khỏi xấu hổ khi người thân của mình vẫn đang tiến hành tục Chhaupadi.


Dharma Raja Kadayat với con gái - Apeksha - và vợ Tanki ở làng Radikot. Anh coi Chhapadi là một thứ hủ tục và ủng hộ việc chấm dứt nó.
Một vài năm trước, trong một lễ hội Hindu ở làng, anh đã làm một bài phát biểu. Trong đó có đề cập đến việc những người phụ nữ không muốn phải chui vào trong lều chỉ vì ánh nhìn thiếu thiện cảm của chính người thân khi họ đến kỳ kinh.
“Anh có say không đấy?” Một người đàn ông hét lên từ đám đông để đáp lại bài phát biểu của anh.
Ông Budha, cha chồng của Bayak, nói giờ nhiều người đã sẵn lòng lắng nghe về những hiểm nguy mà Chhaupadi mang lại.
“Tôi bảo “Con dâu tôi đã chết, và con gái các người cũng có thể sẽ bị như vậy”, nhưng họ trả lời rằng “Chúng tôi rất tiếc nhưng đó là văn hóa của cộng đồng”.”
Ông cũng không khỏi đau buồn khi nhớ lại, trước lúc qua đời ở tuổi 20, Bayak là một phụ nữ rất năng nổ, nhiệt tình trong công tác kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ quyền phụ nữ.


“Nhưng ngay cả con bé vẫn làm theo truyền thống này. Áp lực cộng đồng quá lớn. Nếu như con bé không đi đến túp lều dành cho chính mình trong kì kinh nguyệt, nó sẽ cảm thấy xấu hổ.”
Ông nhớ mọi thứ về Bayak: cách cô đọc sách, sự nhiệt tình với mọi thứ trong cuộc sống, hay giọng nói của cô. Bayak chuyển đến sống cùng gia đình chồng sau khi kết hôn và là một thành viên quan trọng trong gia đình. Sau cái chết của cô, một cảm giác tội lỗi đã trào lên trong lòng người bố chồng, khiến ông tự ra tay phá hủy căn "lều kinh nguyệt".
Từ đó, ông luôn khăng khăng yêu cầu vợ mình ngủ ngay trong nhà, kể cả trong kỳ kinh.

“Và anh biết gì không? Không có điềm gở nào xảy ra cả. Suốt những năm qua, chúng tôi đã bị đánh lừa bởi một thứ mê tín ngớ ngẩn.”
Thật khó có thể tin giữa thế kỳ 21 này vẫn còn những hủ tục và sự phân biệt đối xử nặng nề như thế với phụ nữ. Mong rằng các nhà chức trách sẽ sớm nâng cao ý thức cho người dân và có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ phụ nữ và những bé gái.

 CHUHANIE - Theo yan.thethaovanhoa.vn 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive