Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

'Thần kinh doanh' Kazuo Inamori: Đừng xin nghỉ việc chỉ vì chút bất mãn, người làm tốt cả việc mình không thích mới có thể thành công

 

Theo tỷ phú người Nhật, nếu bạn từ chức chỉ vì có điều gì đó khiến không hài lòng, bạn dễ gặp phải vấn đề tương tự trong công việc tương lai của mình.

Đừng vội vàng nghỉ việc chỉ vì bất mãn

Sau khi tốt nghiệp đại học, Kazuo Inamori làm việc cho Matsukaze Industry, một công ty đang trên bờ vực phá sản ở Kyoto.

Công ty này ban đầu là một trong những công ty tốt nhất trong ngành gốm sứ. Tuy nhiên, khi ông gia nhập công ty thường xuyên bị trả lương muộn, gia đình cổ đông liên tục xảy ra đấu đá nội bộ và tranh chấp lao động.

Trong vòng chưa đầy một năm, những người đồng nghiệp khác lần lượt từ chức. Vào thời điểm đó, Kazuo Inamori cũng muốn nghỉ việc nhưng ông đã thay đổi quyết định bởi nếu bạn từ chức chỉ vì có điều gì đó khiến không hài lòng, bạn dễ gặp phải vấn đề tương tự trong công việc tương lai của mình.

Vì vậy, ông chuyển tất cả xoong nồi vào phòng thí nghiệm, ngủ ở đó ngày đêm không kể ba bữa, dốc sức cho công việc nghiên cứu.

Sau một thời gian làm việc chăm chỉ, ông hết lần này đến lần khác đạt được những kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc, nổi lên trong lĩnh vực hóa học vô cơ. Điều này là động lực của ông trong công việc, mọi mơ hồ hay ý định nghỉ việc đều tan biến.

“Cho dù bạn có phàn nàn bao nhiêu và cảm thấy bất mãn thế nào, điều quan trọng nhất bây giờ là làm tốt công việc của mình, đây là tâm lý mà một người trưởng thành nên có”,  Kazuo Inamori nói về kinh nghiệm thành công của mình.

Trong công việc, từ chức ngay khi không hài lòng là vội vàng. Những người thực sự mạnh mẽ sẽ chọn đối mặt với khó khăn và vượt qua nó, thay vì nghĩ rằng sẽ luôn có sự lựa chọn khác tốt hơn để chạy theo.

Làm việc mình không thích là một loại rèn luyện

Sau khi MC người Trung Quốc Dou Wentao trở nên nổi tiếng trong chương trình "Qiang Qiang Threesome", nhà đài đã quyết định đưa cho anh ấy một chương trình thời sự mang tên "Wen Tao Shoots the Case".

Khác với phong cách của "Qiang Qiang Threesome", "Wen Tao Shoots the Case” tập trung vào các vụ án lớn và không có khách mời nên ngay từ đầu Dou đã không thích chương trình này.

Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì làm điều mình không thích trong 8 năm, có thể ghi hình một tập 4-5 lần liên tục và kết thúc công việc lúc 6h sáng. “Wen Tao Shoots the Case” thành công vang dội, trở thành một trong những chương trình làm nên tên tuổi của Dou Wentao.

MC nổi tiếng Dou Wentao. Ảnh: Infnews

Bất kể là bạn đang làm công việc gì, lúc nào cũng vui vẻ là hiếm có, gặp nhiều phiền muộn mới là thực tế chúng ta phải đối diện. Nơi làm việc chưa bao giờ là một công viên giải trí, mà là nơi để phát triển. 

Khi gặp phải một công việc mà họ không thích, điều đầu tiên một người sáng suốt nghĩ đến không phải là rút lui, mà là lội ngược dòng.

Làm những việc khó là một kỹ năng

Trong một lần tham gia sự kiện, đạo diễn nổi tiếng Feng Xiaogang đã đúc kết kinh nghiệm thành công của mình vào ba chữ "làm việc khó".

"Tôi đã làm rất nhiều việc trong đoàn làm phim. Khi mọi người giao việc gì đó, tôi sẽ không bao giờ nói rằng tôi không làm được mà luôn cảm thấy rằng mình cuối cùng đã được trao cho một cơ hội”, Feng Xiaogang nói.

Đạo diễn Feng Xiaogang. Ảnh: ST

Nhà văn Li Xiaoyi làm thư ký trong một công ty khi cô còn trẻ. Nhờ năng lực xuất sắc, cô được giao công việc đào tạo, phụ trách quản lý thời gian, lập kế hoạch và phụ trách các khóa đào tạo khác cho khách hàng. Li Xiaoyi chưa bao giờ tiếp xúc với công việc này trước đây.

Nhiều đồng nghiệp bắt đầu đàm tiếu, quan sát xem Li có làm sai điều gì không. Nhưng Li không ngại khó khăn, cô dành thời gian miệt mài nghiên cứu sách để rút ra những bài học, phục vụ cho công việc đào tạo của mình. 

Trong quá trình bắt đầu những công việc vẫn còn lạ lẫm này, Li chăm chỉ và luôn tự nhìn nhận bản thân để kịp thời sửa sai. Nhờ nỗ lực vượt bậc, cô được thăng chức và những người đồng nghiệp trước đây nói xấu cô giờ đây phải thốt lên lời thán phục.

Ở tuổi 24, Li Xiaoyi vừa là giám đốc nhân sự vừa là người phụ trách mảng đào tạo của công ty.

Vượt qua nỗi sợ khó khăn trong bản chất con người là quy luật duy nhất của thành công. Nếu một người chưa trải qua quá trình từ khó đến dễ thì chưa đủ để nói đến trưởng thành.

Nếu bạn lựa chọn công việc khác, bạn có chăm chỉ hơn không?

Một độc giả từng viết thư cho nhà văn Liu Yong, hỏi ông về lựa chọn công việc.

Anh cho biết có công việc ổn định nhưng không hài lòng, muốn chuyển sang công ty khác. Nhưng anh cũng sợ sự bấp bênh khi nhảy việc sẽ khiến sự nghiệp và gia đình gặp khủng hoảng.

Liu Yong không đưa ra câu trả lời trực tiếp mà phản hồi chàng trai: "Khi xếp hàng, chúng ta thường cảm thấy hàng này ít người hơn nên nhảy sang hàng kia. Kết quả là khi bạn đang nhảy thì có người khác đến ngay trước và bạn lại cảm thấy hàng mình dài hơn. 

Hôm nay bạn từ bỏ công việc này và chuyển sang công việc khác, bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn chứ? Nếu bạn có thể làm việc chăm chỉ hơn ở một công việc khác, bạn cũng có thể làm việc chăm chỉ hơn ở công việc hiện tại. Dù là lựa chọn nào, cũng đừng phàn nàn và hãy tập trung toàn tâm cho nó”.

Không công việc nào là dễ dàng. Nhưng nếu bạn biết đối xử với những người bạn không thích như những người cao quý và có thể làm những điều bản thân ghét như một thói quen, thành công sẽ không còn xa. 





Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

Nữ sinh An Giang là thủ khoa đầu ra Đại học tại Nhật Bản: Thành công nhờ học mọi lúc, mọi nơi

 Cuộc sống ở Nhật chẳng hề dễ dàng nhưng Ngọc Thuận luôn cố gắng bằng 100% sức lực và nhận về thành quả xứng đáng.


Cuộc sống ở Nhật chẳng hề dễ dàng nhưng Ngọc Thuận luôn cố gắng bằng 100% sức lực và nhận về thành quả xứng đáng.

Thạch Ngọc Thuận, SN 1998, quê tại An Giang. Em là sinh viên khoa Thương mại, trường Đại học Osaka Sangyo (Nhật Bản). Trong 2 năm học tiếng và 4 năm học Đại học, nữ sinh An Giang đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật tại đất nước mặt trời mọc, đem lại niềm tự hào cho bản thân và gia đình.

Trước khi bước vào chương trình Đại học, Ngọc Thuận có 2 năm học tiếng tại một ngôi trường riêng. Ở trường này, nữ sinh nhận học bổng của Bộ Giáo dục Văn hóa - Thể thao - Khoa học và Công nghệ với mức hỗ trợ là 6 triệu đồng/tháng dành cho sinh viên đạt kết quả học tập tốt, biết quan tâm giúp đỡ các bạn khoá sau.

Năm đầu tiên Đại học, Ngọc Thuận nhận bằng Tin học văn phòng Word, Excel 2016, nằm trong top 3 của khoa; đại diện sinh viên Việt Nam làm ảnh bìa báo của trường; đạt học bổng 10 triệu đồng/tháng trong vòng 2 năm ở trường.

Thạch Ngọc Thuận trở thành thủ khoa đầu ra tại Đại học Osaka Sangyo (Nhật Bản).

Năm thứ 2, do dịch COVID-19 bùng phát, Ngọc Thuận không thể đến trường, phải học online ở nhà. Không mất thời gian đi lại, nữ sinh chịu khó tìm thêm nhiều công việc khác để thực hiện. Và em đã xây dựng một kênh Youtube có tên là Thuan VNJP. Kênh có những chia sẻ về về cuộc sống ở Nhật, du lịch Nhật Bản và dạy tiếng Nhật. Hiện kênh Youtube đạt trên 1.000 người theo dõi. Về thành tích học tập, nữ sinh luôn nằm trong top 3 của trường.

Năm 3, Ngọc Thuận thi Toeic và đạt điểm số 815/990 ngay ở lần đầu tiên. Nữ sinh trở thành thủ khoa của khoa Thương mại với số sinh viên khoảng 200 người. Em đạt GPA 3.8/4.0. Ngoài ra, Ngọc Thuận còn dành được suất học bổng Rotary trị giá 20 triệu đồng/tháng liên tục trong vòng 2 năm.

Để đạt được thành tích nổi bật như trên, nữ sinh An Giang đã có những phương pháp học tập cực hữu ích. Hãy cùng trò chuyện với Ngọc Thuận để biết thêm về hành trình chinh phục ước mơ của em!

KHÓ KHĂN NÀO CŨNG VƯỢT QUA BỞI GẶP ĐƯỢC NHỮNG NGƯỜI NHẬT TỐT BỤNG

- Nhớ lại hành trình đi du học, Ngọc Thuận sẽ chia sẻ điều gì?

Đầu tiên, em muốn chia sẻ về vấn đề tài chính gia đình. Do sự chênh lệch về tiền tệ, gia đình không thể hỗ trợ hết học phí cũng như sinh hoạt phí nên ngoài giờ học, em đi làm thêm 2 ngày cuối tuần để trang trải cuộc sống. Công việc làm thêm cũng giúp em có những kinh nghiệm xã hội quý giá.

Điều thứ hai, em muốn chia sẻ về văn hóa Nhật Bản. Văn hoá nổi tiếng "khách hàng là thượng đế" của Nhật khiến em khá chật vật trong thời gian mới đi làm thêm. Ngoài ra, nhịp sống ở Osaka – nơi em sinh sống và học tập vô cùng hối hả khiến em từng rơi vào trạng thái lo lắng. Nhưng "nhập gia tuỳ tục", dần dần em cũng thích nghi.

Người Nhật rất khắt khe chuyện giờ giấc, đây là một thói quen tốt, giúp em dần thay đổi bản thân. Trước kia, em là người đến sát giờ hoặc "giờ giây thun". Nhưng người Nhật thì không vậy. Họ luôn đến sớm trước cuộc hẹn từ 10 – 20 phút để xem lại trang phục, chuẩn bị cho cuộc gặp mặt. Điều này trở thành "luật bất thành văn", dần dần ăn sâu vào tiềm thức của em, khiến em thay đổi tính "giờ giây thun" lúc nào không biết.

Ngọc Thuận từng gặp nhiều khó khăn khi mới sang Nhật nhưng em đã nỗ lực vượt qua.

- Thời gian du học tại Nhật chắc hẳn có nhiều thăng trầm. Đâu là quãng thời gian đáng nhớ nhất đối với em?

Em nhớ nhất là năm đầu tiên đi du học. Đi du học mang đến cho em nhiều cơ hội: Được tiếp xúc nền văn hóa mới, gặp gỡ những bạn ngoại quốc, thay đổi môi trường học tập. Tuy nhiên, sự mới mẻ bao giờ cũng đi cùng với thách thức. Em đã chọn cách dũng cảm bước tiếp, tuyệt đối không bỏ cuộc.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng may mắn, em luôn gặp được thầy cô tốt, bạn bè tốt, người làm chung tốt. Em muốn chia sẻ về người thầy làm tại văn phòng ở trường học tiếng. Thầy luôn tư vấn nhiệt tình mỗi khi em băn khoăn, lo lắng. Và gần đây nhất là khi đi xin việc, thầy đã chỉ cho em cách tìm công việc phù hợp, lễ nghi của người Nhật khi phỏng vấn và đôi khi sửa sơ yếu lí lịch để tăng cơ hội trúng tuyển.

Ngoài ra, em còn có những người bạn tốt. Bất cứ khi nào cần tâm sự, cần giúp đỡ, họ đều sẵn sàng lắng nghe và đưa ra lời khuyên hữu ích. Một điều tuyệt vời nữa là em có bố mẹ nuôi người Nhật. Họ không có con cái, thấy em sống xa nhà nên rất yêu thương và nhận em làm con nuôi.

Nữ sinh luôn có những người bạn thân hỗ trợ bên cạnh.

- Vậy khi gặp khó khăn hay muộn phiền, đâu là động lực để em không gục ngã, dũng cảm bước tiếp?

Khi gặp khó khăn, em sẽ nhớ lại lý do để bắt đầu rồi tiếp tục bước tiếp. Trong trường hợp stress (căng thẳng) quá, em sẽ đi hát karaoke. Bên Nhật thiết kế các phòng karaoke dành cho 1 người. Đó là nơi để em giải tỏa cảm xúc tiêu cực.

Ngoài ra, em có thể chọn giải pháp nghỉ ngơi tạm thời. Em sẽ đi ngủ, đọc sách, hoặc gặp bạn bè để tâm sự nỗi niềm đang gặp phải. Họ sẽ đưa ra những lời khuyên giúp em vượt qua khó khăn.

Khi gặp khúc mắc, nữ sinh thường tìm tới những người bạn để nhận lời khuyên hữu ích.

TRANH THỦ HỌC MỌI LÚC MỌI NƠI, NỖI SỢ LỚN NHẤT LÀ LƯU BAN

- Những phương pháp học tập hiệu quả mà em đã áp dụng là gì?

Tháng 4 năm 2019, em nhập học trường đại học Osaka Sangyo của Nhật. Vào tuần đầu tiên, em không theo kịp các bạn do tốc độ nói của thầy cô ở đại học quá nhanh, nhanh gấp nhiều lần thầy cô ở trường tiếng. Em nghĩ nếu cứ tiếp tục tình trạng này, em sẽ bị lưu ban.

Vì thế, sau mỗi ngày, nếu có thời gian rảnh, em sẽ đến thư viện để học thêm đến 9h30 tối rồi về nhà là khoảng 11h khuya. Ngay cả khi đi trên tàu điện, em cũng tranh thủ học bài. Nội dung học là hoàn thành bài tập trong ngày, xem trước bài ngày mai. Nhờ cách học đó mà sau 1 tháng, em đã theo kịp các bạn. Tự học là phương pháp hàng đầu em đã áp dụng.

Bên cạnh đó, một phương pháp hữu ích nữa là học từ những người bạn xung quanh. Do khoa em học ít người Việt nên việc kết giao với các bạn Nhật là điều tất yếu. Nhờ tự học ở thư viện đã giúp em quen 2 anh chị người Nhật khóa trên và 4 bạn cùng khoa. Chúng em đi ăn cùng nhau, học cùng nhau, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn.

Nhớ lại, em học yếu nhất môn Kế toán. May mắn trong nhóm em chơi cùng có 1 bạn đã có chứng chỉ quốc gia về môn Kế toán. Bạn học giúp em rất nhiều, cuối cùng em cũng đạt thành tích S ở năm nhất đại học. Bù lại em giúp bạn đó học tiếng Anh - môn mà bạn đó rất sợ. Nhóm 5 người chơi cùng nhau thì cả 5 người đều thuộc top 10 sinh viên xuất sắc của khoa.

- Những cách nào giúp em sớm thích nghi việc học tập tại Nhật Bản?

Hiểu rõ bản thân: Chúng ta cần biết thế mạnh của mình là gì để phát huy, cũng như tìm cách khắc phục khuyết điểm. Chẳng hạn, trong kỳ thi tiếng Nhật, em biết thế mạnh của mình ở phần nghe nhưng lại yếu ngữ pháp. Em luyện tập bằng cách nghe đề thi cũ mỗi ngày và nghe tin tức vào buổi sáng. Dần dần, em quen với tốc độ của người bản xứ và đã đạt điểm tuyệt đối ở phần nghe của trình độ cao nhất N1 trong kỳ thi tiếng Nhật.

Làm quen, kết giao với người bản xứ: Điều này giúp em hiểu thêm về nền văn hóa Nhật Bản và nhận được sự giúp đỡ từ họ. Đây cũng là cách giúp em cải thiện khả năng giao tiếp, nâng cao ngôn ngữ Nhật.

Không để thời gian trống khi còn trẻ: Lúc rảnh rỗi, chúng ta nên ép bản thân thực hiện điều gì đó. Chẳng hạn như đọc 1 quyển sách chuyên ngành, đọc sách về đạo đức hoặc học thêm 1 thứ tiếng khác. Ngoài tiếng Nhật, tiếng Anh, em đang học thêm tiếng Trung. Hoặc đơn giản là em rủ bạn bè các khoa khác, bạn bè nước khác đi ăn uống, dã ngoại để mở rộng mối quan hệ.

Đừng lao đầu vào làm thêm mà quên đi mục đích ban đầu: Khi ra nước ngoài, không ít sinh viên lao vào kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Nếu không biết cân bằng thời gian sẽ khiến vô tình quên đi mục đích ban đầu. Mỗi người mỗi hoàn cảnh nên em không đề cập nhiều đến vấn đề này, nhưng có khá nhiều cách kiếm tiền mà không ảnh hưởng đến việc học. Chẳng hạn như em lấy học bổng để trang trải sinh hoạt phí và học phí. Các bạn nên dành thời gian ra nghiên cứu về các loại học bổng phù hợp.

Thường xuyên đổi môi trường làm thêm trong lúc còn là sinh viên: Điều này sẽ giúp bạn có thêm cho mình những người bạn mới. Ngoài ra, bạn còn có kinh nghiệm quản lí trong nhiều môi trường khác nhau. Thông qua công việc, chúng ta cũng học thêm nhiều từ vựng tiếng Nhật. Em từng làm thêm ở các quán ăn, cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc mĩ phẩm.

Gia đình của Ngọc Thuận.

- Trong tương lai, Thạch có những kế hoạch gì?

Em sẽ kiếm một công việc ổn định, phù hợp với bản thân. Em nghĩ kế hoạch lâu dài, em sẽ về Việt Nam phát triển sự nghiệp. Nhưng trước mắt, em ở lại Nhật Bản để trang bị kiến thức, kinh nghiệm cùng số vốn thật tốt.

- Đâu là câu nói em yêu thích?

"Núi cao còn có núi cao hơn" là câu nói em rất tâm đắc. Câu nói nhắc nhở em luôn phải khiêm nhường và nỗ lực nhiều hơn nữa để trở thành phiên bản tốt hơn mình của ngày hôm qua.














Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

56 tuổi mới bắt đầu khởi nghiệp, người phụ nữ kiếm hơn 900 triệu USD trong 6 tháng, phá vỡ định kiến về tuổi tác

 

Ngày nay, số lượng người trẻ tự lập kinh doanh ngày càng trẻ hóa, tuy nhiên, vẫn có một phụ nữ đã gần 60 tuổi vẫn ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp dù đã về hưu - doanh nhân Quan Ngọc Hương. Nhiều người nghĩ rằng bà kinh doanh ở tuổi này vì muốn kiếm tiền dưỡng già, nhưng thực ra không phải.

1. Phát hiện cơ hội kinh doanh trong một lần đi du lịch

Ở Trung Quốc, một phụ nữ tên Quan Ngọc Hương đã nghỉ hưu ở tuổi 56, nhưng bà lại không chọn an hưởng tuổi già nhàn rỗi mà bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình.

Trước khi nghỉ hưu, bà là một nữ công nhân trong xưởng sản xuất nhạc cụ. Bà đã làm việc trong xưởng này trong suốt 31 năm mà không có bất kỳ sự xáo trộn nào. Nhưng trong một lần đến Hải Nam để nghỉ dưỡng, bà nhận thấy nước giải khát ở địa phương chưa được đóng gói đàng hoàng, không nổi bật và kém hấp dẫn. Ngay lập tức bà nghĩ đến một cơ hội kinh doanh.

Khi trở về, Quan Ngọc Hương liền bắt tay vào thành lập nhà máy sản xuất bao bì O.R.G. chuyên về bao bì kim loại cho đồ uống. Khi thành lập công ty, bà đã 56 tuổi. Cũng từ đây, bà như được mở ra chương mới của đời mình.

Bà Quan Ngọc Hương

2. Thu về 940 triệu USD trong nửa năm

Thành tích của O.R.G ngày hôm nay có liên quan rất nhiều đến Red Bull - một sản phẩm bán chạy ở Trung Quốc.

Trong những năm sản phẩm nước uống tăng lực này "siêu hot", Quan Ngọc Hương ý thức rất rõ nếu mượn được “ngọn gió” của thương hiệu này, O.R.G. rất có thể sẽ “lên mây” tại Trung Quốc.

Nên sau 41 lần kiên trì đến Red Bull thương lượng, Quan Ngọc Hương đã có được bản hợp đồng cung cấp bao bì cho thương hiệu nổi tiếng này. Sau khi ký hợp đồng, bà Quan đã chi hàng triệu USD để nhập các thiết bị cao cấp từ Singapore nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng lô hàng.

Sự kết hợp có “mối quan hệ cộng sinh” này đã giúp O.R.G ghi nhận tổng số tiền là 6,5 tỷ NDT (hơn 900 triệu USD) trong 6 tháng đầu năm. Với sự “hậu thuẫn” ổn định của thương hiệu nổi tiếng, năm 2012, O.R.G. đã được niêm yết thành công, và bà chủ Quan Ngọc Hương trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất Trung Quốc lúc bấy giờ.

3. Khởi nghiệp không bao giờ muộn

Năm 2017, doanh thu của O.R.G. đạt gần 8 tỷ NDT, ngoài việc hợp tác với Red Bull, bà Quan còn mở rộng hợp tác với Want Want, nhà máy bia Thanh Đảo và thậm chí nhãn hiệu nước giải khát lâu đời Arctic Ocean… Nhờ vào tâm nhìn xa trông rộng của bà, O.R.G. không chỉ sản xuất lon nước uống mà còn sản xuất lon thịt ăn liền, lon bánh quy nén…

Báo cáo nửa đầu năm 2019 cho thấy công ty thu về 4,144 tỷ NTD (580 triệu USD) và lợi nhuận ròng 486 triệu NDT (hơn 68 triệu USD), tăng 8,22% so với cùng kỳ năm trước đó.

Câu chuyện của Quan Ngọc Hương là minh chứng cho việc “thành công không bao giờ là muộn”. Không cần đang ở thời hoàng kim, chỉ cần bạn có tâm, 56 tuổi vẫn có thể khởi nghiệp!

Khởi nghiệp kinh doanh không liên quan gì đến tuổi tác, chỉ cần bạn có dũng khí và quyết tâm vượt qua rào cản thì sẽ không có gì cản trở được bước tiến của bạn.

Một số người đã cao tuổi nhưng vẫn luôn có động lực và sẵn sàng cố gắng để theo đuổi đam mê và ước mơ của mình, bản thân là thế hệ trẻ, tại sao không làm việc chăm chỉ?

Hãy ví thành công là mục tiêu sống mỗi ngày, đừng ngại thử thách để đạt được mong ước.








Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Kỳ lạ món thịt lợn bốc mùi Tứ Xuyên treo trên xà 53 năm, chỉ dùng để chiêu đãi khách VIP

 Trung Quốc là nơi có rất nhiều món ăn kỳ lạ và phong phú.

Ở một nhánh của sông Nhã Lung thuộc Tứ Xuyên, Trung Quốc, có một thung lũng dài và hẹp ở cả hai bên, nơi 1 bộ tộc Tây Tạng sinh sống.

Không có nhiều người sinh sống trong bộ tộc này, chỉ khoảng 13.000 người, nhưng họ có nền văn hóa dân tộc độc đáo của riêng mình, rất khác biệt so với thế giới bên ngoài về phong tục dân gian và ngôn ngữ.

“Thịt lợn hôi thối” là một trong những nét văn hóa dân tộc tiêu biểu. Không giống như hầu hết mọi người thích ăn thịt lợn tươi, bộ tộc này thích treo thịt lợn và ăn nó sau nhiều năm.

Trong phong tục của bộ tộc, thịt lợn hôi là nguyên liệu thực phẩm rất cao cấp, là biểu tượng cho nghi thức cao nhất đối với sự hiếu khách ở quê nhà. Nếu nhà có khách, chủ nhà sẽ bày thịt lợn hôi cho khách thưởng thức.

Nếu bạn bước vào ngôi nhà của một gia đình ở đây, bạn sẽ thấy một hoặc vài con lợn khô treo trên xà nhà của họ.

Thịt lợn khi đã được treo trên xà sẽ không dễ dàng gỡ ra, chỉ được lấy khi có khách quý đến thăm hoặc các dịp quan trọng khác.

Trước đây, chương trình CCTV "A Home in the Distance" đã đưa tin về văn hóa kỳ lạ này, thậm chí còn có con lợn được treo trên xà và lưu giữ trong 53 năm.

Nhưng câu hỏi đặt ra là loại thịt lợn được cất giữ hàng chục năm này có thực sự ăn được hay không?

Sản xuất thịt lợn hôi thối

Họ nhồi lúa mạch vùng cao và các loại ngũ cốc khác vào trong dạ dày lợn, sau khi nhồi xong thì bôi bơ và tro rơm lên chỗ hở rồi khâu lại.

Mục đích của việc làm kín là để vi khuẩn lactic lên men, vi khuẩn lactic là vi khuẩn kỵ khí và chỉ có thể hoạt động tốt nếu chúng được phân lập với oxy. Vi khuẩn lactic có thể ngăn chặn hiệu quả vi khuẩn hiếu khí phá vỡ protein và ngăn chặn một số vi sinh vật có hại khác.

Sau khi bịt kín con lợn, người ta cho nó vào trong lớp cám lúa mì khô để hút nước, đồng thời liên tục thay lớp mới nếu bị ướt, quá trình này mất khoảng nửa tháng, lớp biểu bì sẽ từ từ khô lại.

Tiếp theo, họ treo những con lợn đã sơ chế khô trên xà nhà. Người dân ở đây thường sử dụng cách đốt củi truyền thống để nấu nướng, vì vậy, bất cứ khi nào họ đốt lửa để nấu ăn, cỏ và khói củi sẽ bay thẳng vào những con lợn treo trên xà nhà.

Trong quá trình hun khói, dầu và hơi ẩm trên con lợn sẽ được làm khô hoàn toàn. Được hun khói ngày này qua ngày khác, cộng với khí hậu khô hạn của địa phương nên những con lợn này có thể bảo quản được hàng chục năm.












Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

60 tuổi mới khởi nghiệp, 80 tuổi trở thành tỷ phú vua bánh mỳ, thầy giáo về hưu dạy chúng ta bài học quý Làm giàu không bao giờ muộn

Từ xe bánh mỳ dạo, một giáo viên nghỉ hưu ở tuổi 60 đã gây dựng nên một thương hiệu bánh mỳ nổi tiếng khắp đất nước tỉ dân.


Thầy giáo về hưu,

60 tuổi bắt đầu khởi nghiệp 

Toly Bread được thành lập vào những năm 1990. Sau hơn 20 năm phát triển, công ty đã trở thành một doanh nghiệp nổi tiếng Trung Quốc với vai trò sản xuất và kinh doanh các loại bánh như bánh mì, bánh trung thu, bánh tét...

Hiện tại, các cơ sở sản xuất của thương hiệu này đã được phân bố tại 17 khu vực ở Trung Quốc, với 220.000 điểm bán hàng. Đi đôi với thành công hiện tại, lịch sử phát triển hơn 20 năm của công ty không thể tách rời cái tên Ngô Chí Cương.

Ngô Chí Cương sinh năm 1935 ở Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Sau thời bình, ông quyết tâm tích cực học tập để lấy bằng đại học. Sau khi tốt nghiệp, ông lựa chọn công việc gắn bó với “phấn trắng bảng đen”, quyết định dành cả tuổi đời để làm giáo viên, ươm mầm biết bao thế hệ học sinh xuất sắc.

"Vua bánh mỳ" Ngô Chí Cương

Năm 1995, ông nghỉ hưu ở tuổi 60, chính thức khép lại những năm tháng đứng trên bục giảng. Thế nhưng, sự nhàm chán của cuộc sống an nhàn tuổi già lại thúc giục ông phải làm điều gì đó.

Lúc bấy giờ, ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện nhiều cơ hội làm ăn, không ít người tham gia lập nghiệp và mức sống xã hội đã được nâng cao hơn nhiều.

Trước sự sôi nổi ngoài kia, những “gợn sóng” trong lòng Ngô Chí Cương bắt đầu nổi dậy. Nhưng điều khiến ông lăn tăn là khởi nghiệp ở độ tuổi 60 liệu có ổn không? Có thể làm ra thành tích gì?

Một hôm, ông Ngô vô tình nhìn thấy đĩa bánh mì được dọn sẵn trên bàn và những chiếc bánh này đã thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp trong ông: Tại sao mình không bán bánh mì?

Sau nhiều lần suy nghĩ, Ngô Chí Cương quyết định bán bánh mì trên xe đồ ăn sáng, ông nhận thấy các xe bán đồ ăn sáng mang đi trên các con đường, ngõ hẻm rất tiện lợi và nhanh chóng. Hơn nữa bánh mì là mặt hàng không cần đun nóng, bán trên xe di động không chỉ giải quyết được vấn đề mặt bằng cửa hàng, mà còn có thể phủ sóng rộng rãi khắp nơi.

Nói là làm, ông Ngô lấy số tiền tiết kiệm nhiều năm để mua nguyên liệu làm bánh mì, thuê một vài nhân công và bắt đầu lần kinh doanh đầu tiên đầy nhiệt huyết của mình.

Trở thành “Vua bánh mì”

Và rồi thương hiệu bánh mì Toly ra đời. Để đảm bảo hương vị của bánh mì, bánh mì tươi vừa sản xuất phải được ông phải gửi đi vào lúc 3 giờ sáng hàng ngày, và tất cả bánh mì phải được bày bán trước 6 giờ.

Ngoài việc chú trọng đến sự tươi ngon, ông Ngô cũng đề xuất triết lý kinh doanh là “chất lượng và không đắt tiền”. Ông muốn tập trung phát triển thương hiệu và lan rộng độ nhận biết sản phẩm, nên mỗi loại bánh của Toly đều có một hương vị riêng để đáp ứng nhu cầu của các nhóm khách hàng khác nhau, chất lượng bánh được nhiều người khen ngợi, giá cả tương đối hợp lý và lượng tiêu thụ rất khả quan.

Thời gian trôi qua, xưởng nhỏ ban đầu đã lớn lên từng ngày, dần dần bánh mì Toly đã vào được các cửa hàng, siêu thị ở Đan Đông và thiết lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường địa phương. Đến năm 2005, Toly trở thành nhà sản xuất bánh mì tươi lớn nhất ở Đông Bắc Trung Quốc, nhờ đó ông chủ Ngô Chí Cương cũng trở thành “Vua bánh mì” ở vùng Đông Bắc.

Năm 2006, ông Ngô đặt tầm nhìn ra thị trường toàn quốc và khởi chạy mô hình bán sỉ - phân phối, mỗi xưởng sản xuất sẽ cung ứng sản phẩm trong bán kính 200km. Do bánh mì tươi có hạn sử dụng ngắn và không có chất bảo quản nên yêu cầu đối với chuỗi cung ứng sản phẩm khá cao.

Nếu sản xuất ít thì không đáp ứng được nhu cầu thị trường, sản xuất nhiều thì bánh sẽ hết hạn sử dụng và phải tiêu hủy nếu tiêu thụ không kịp, đó là rủi ro rất lớn. Để giảm lỗ nhiều nhất có thể, ngay từ khi thành lập công ty, ông Ngô đã quyết định áp dụng phương thức “sản xuất dựa trên doanh số bán hàng”.

Năm 2015, sau 20 năm phát triển nhanh chóng, Toly Bread đã chạm mốc 170.000 cửa hàng, trở thành công ty dẫn đầu trong ngành. Cũng trong năm này, Ngô Chí Cương - lúc này 80 tuổi đã đưa Toly Bread đổ bộ vào thị phần A. Kể từ khi niêm yết, chất lượng của công ty ngày càng được cải thiện, duy trì đà tăng trưởng ổn định và lợi nhuận ròng cũng tăng đều đặn.

Làm giàu

Không bao giờ muộn 

Năm 2019, Ngô Chí Cương 84 tuổi chính thức rút khỏi việc kinh doanh, công ty được giao cho hai người con trai quản lý. Không ai có thể ngờ rằng, chiếc xe bán hàng nhỏ bé năm nào sẽ trở thành đế chế bánh mì với giá trị thị trường hơn 5.5 tỷ USD.

Với tư cách là người tiên phong trong ngành, Ngô Chí Cương đã dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn trên thị trường trong hơn 20 năm phát triển. Ông đã thực hiện mọi điều nhỏ nhặt nhất một cách chân thực nhất, mở ra một cơ hội lớn cho công ty.

Không có thành công của ai là dễ dàng, bạn cũng không thể sao chép thành công của bất kỳ ai. Điều mà Ngô Chí Cương mang đến cho chúng ta chính là sự kiên định, nghiêm túc khi làm việc và một thái độ sống tích cực: Chỉ cần có ước mơ thì sẽ không bao giờ là muộn để thực hiện nó.

Theo Toutiao









Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

Lá thư 86 chữ Gia Cát Lượng gửi con trai gói trọn trí tuệ 1800 năm trước

Đến nay, bài học thâm thúy ẩn sau bức thư của Gia Cát Lượng gửi cho con trai vẫn còn nguyên giá trị. Cha mẹ nào vận dụng được con cái ắt có tương lai rực rỡ.

Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long, được coi là một khai quốc công thần, nhà chính trị, ngoại giao kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Trong lịch sử, ông được ca ngợi là hình mẫu của những vị tướng tài đức vẹn toàn, là hiện thân của trí tuệ kiệt xuất.

Điều đó không chỉ thể hiện qua tài năng 'liệu sự như thần' trên chiến trường trận mạc mà còn qua những dòng tâm thư ông viết cho con trai mình. Bức thứ ngắn nhưng vô cùng thâm thúy, gói trọn trí tuệ từ hơn 1.800 năm trước khiến người đời sau phải nghiền ngẫm:

"Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.

Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.

Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.

Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.

Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.

Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.

Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn".

Chỉ với 86 chữ, lá thư Gia Cát Lượng viết cho con trai gửi gắm 10 bài học sâu sắc, giúp khai mở sức mạnh, ảnh hưởng tới vận mệnh cả đời người.

Bài học 1: Tĩnh giúp tu thân, tâm

"Nết người quân tử, tĩnh để tu thân."

Gia Cát Lượng khuyên răn con trai: Tĩnh giúp tinh thần sáng suốt, mới có thể tu dưỡng thân, tâm. Tâm không tĩnh thì khó có thể khai phá bản thân, đưa ra những hướng đi tốt nhất.

Điều kiện quan trọng hàng đầu của học tập chính là môi trường yên tĩnh. Cuộc đời này không có chuyện một bước thành tiên, tất cả thành quả đều được hình thành trong sự tích lũy dần dần. Lúc này, sự tĩnh lặng đặc biệt quan trọng. Bởi sự nóng vội hay một phút bồng bột sẽ khiến con người không nhìn rõ phương hướng và trái tim mình, từ đó dễ đi sai đường, không tìm thấy hướng đi đúng đăn cho cuộc đời.

Con người trong cuộc sống hiện đại, xã hội xoay vần, thế cuộc thay đổi lại càng phải hiểu rõ sức mạnh của sự tĩnh tâm.

Bài học 2: Sống tiết kiệm là đang dưỡng đức.

"Kiệm dùng dưỡng đức"

Gia Cát Lượng khuyên con phải sống tiết kiệm để tu dưỡng đức hạnh cho bản thân. Sống trên đời cần phải tiết kiệm, chớ xem trọng danh vọng và tiền tài. Sử dụng tiền bạc có nguyên tắc không chỉ giúp con người thoát khỏi những khoản chi phù phiếm, vô bổ mà còn tránh được cảnh nợ nần, trở thành nô lệ của vật chất. Bên cạnh đó còn giúp mọi người hiểu được nhu cầu nào trong cuộc sống là quan trọng hơn và cần được ưu tiên.

Bài học 3: Sống đạm bạc khiến trí tuệ sáng suốt, nội tâm yên tĩnh sẽ suy nghĩ được xa hơn

"Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi."

Gia Cát Lượng răn dạy con trai rằng làm người không nên chạy theo danh lợi trước mắt, phải có hoài bão rõ ràng, bình tâm và chăm chú vào việc mình làm. Nếu tâm đầy dục vọng thì cuộc sống sẽ bon chen, sóng gió. Còn khi lòng trong sạch, tâm sẽ bình an, khi đó mới có thể cẩn thận lập kế hoạch cho tương lai.

Bài học 4: Học cần tâm tĩnh

"Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học."

Gia Cát Lượng không tin vào thuyết thiên tài và cho rằng tài năng của một người là kết quả của sự siêng năng học tập. Đây cũng là cách duy nhất để mọi người có thể có tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng việc học không phải là một việc dễ dàng và khuyên con trai khi học cần có một môi trường yên tĩnh và một trạng thái tinh thần tập trung thì mới phát huy hết được tài năng của mình. Ở cảnh giới tâm hồn tĩnh lặng, chuуên chú, thì hiệu quả đạt được sẽ tăng lên gấp bội.

Bài 5: Sức mạnh của tham vọng

"Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học."

Gia Cát Lượng dạy con trai nếu không học thì không thể phát triển tài năng, nếu không có hoài bão rõ ràng thì không thể đạt được thành công. Do đó, muốn bản thân phát triển, gia tăng năng lực thì không chỉ học kiến thức ở trường lớp mà cần phải rèn luyện ý chí kiên trì.

Trong quá trình học, sự quyết tâm và kiên trì rất quan trọng, bởi nếu không có ý chí, bạn sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Bởi vì nếu thiếu ý chí, bạn rất có thể bỏ dở giữa đường. Đạo lý này thật sự có bao nhiêu người đã học được?

Bài học 6: Sức mạnh của tốc độ

"Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông"

Mọi việc trong cuộc sống muốn thành toàn thì cần phải nắm chắc tốc độ. Ông khuyên rằng, không nên cứ trì hoãn một việc nào đó mà cần nắm chắc việc cần làm.Thời đại hiện nay là thời đại của công nghệ máy tính, mọi thứ đều hướng đến sự hiệu quả. Trí tuệ của 1.800 năm trước vẫn còn hữu dụng.

Đi trước một bước, không chỉ đạt được lý tưởng của mình mà bạn còn có nhiều thời gian để sửa sai và hoàn thiện bản thân hơn.

Bài học 7: Sức mạnh của tính cách

"Nóng nảy sao tu thành tâm tính."

Theo Gia Cát Lượng, con người nếu quá nóng nảy thì sẽ không thể tu dưỡng nhân cách. Một người càng nôn nóng thì càng dễ mù quáng, lầm đường lạc lối và càng dễ đánh mất chính mình. Ông hiểu rõ trong cuộc đời cần phải cân bằng rất nhiều thứ, phải "tinh thông", cũng phải "tu tâm dưỡng tính" nên đã răn dạy con mình nhiều lúc phải biết sống chậm lại và nhìn nhận thật kỹ trái tim mình. Cũng như một nhà tâm lý học nói rằng tư tưởng quyết định hành vi, hành vi quyết định thói quen, thói quen quyết định tính cách, tính cách quyết định vận mệnh của con người.

Bài 8: Thời gian sẽ làm hao mòn mọi thứ

"Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi."

Gia Cát Lượng nhận ra rằng thời gian trôi nhanh, ý chí kiên cường của con người cũng sẽ hao mòn. Cuộc đời thật ngắn ngủi và chẳng ai trong chúng ta có thể đoán được thời gian của mình đã trôi về đâu. Cứ tưởng rằng sau hôm nay sẽ có ngày mai, ngày mai sẽ có ngày kia, nhưng đôi khi nếu bỏ lỡ một giây phút thì sẽ đánh mất cả đời. Nếu không biết trân trọng, có những thứ sẽ trôi qua trong hối tiếc. Vì vậy hãy tận dụng thời gian và cố gắng sống trọn vẹn từng giây phút.

Bài học 9: Sức mạnh của việc lên kế hoạch cuộc đời

"Thân đã già nua, chưa hiểu sự đời."

Đời người rồi cũng có ngày sẽ như lá khô rơi rụng, không thể thu giữ, chỉ có nỗi bi thương còn đọng lại. Gia Cát Lượng nhận ra rằng thời gian như bóng câu qua cửa sổ, khi già nua, lỗi thời, không theo kịp sự thay đổi của thời cuộc, mới đau thương than vãn bỏ lỡ tháng ngày, hối hận, muốn làm lại cũng không kịp nữa. Do đó, ông căn dặn con trai cần phải biết lập kế hoạch cho cuộc đời mình, nên nghĩ từ cái lớn, nhưng bắt tay vào làm từ cái nhỏ. Con đường phía trước còn rất dài, cần lên kế hoạch trước để có thể đi một cách suôn sẻ hơn.

Bài 10: Sức mạnh của việc sắp xếp hợp lý

"Thân đã già nua, chưa hiểu sự đời."

Bức thư trên do Gia Cát Lượng viết cho con trai chỉ sử dụng 86 chữ nhưng nội hàm giáo dục lại bác đại tinh thâm. Bởi vậy không phải lúc nào dài dòng văn tự cũng tốt, đôi lúc càng đơn giản thì càng nói rõ được nội hàm. Đấy cũng là cái uyên thâm trong bậc hiền tài ngày xưa.








Blog Archive