Cuộc sống ở Nhật chẳng hề dễ dàng nhưng Ngọc Thuận luôn cố gắng bằng 100% sức lực và nhận về thành quả xứng đáng.
Cuộc sống ở Nhật chẳng hề dễ dàng nhưng Ngọc
Thuận luôn cố gắng bằng 100% sức lực và nhận về thành quả xứng đáng.
Thạch Ngọc Thuận, SN 1998, quê tại An Giang.
Em là sinh viên khoa Thương mại, trường Đại học Osaka Sangyo (Nhật Bản). Trong
2 năm học tiếng và 4 năm học Đại học, nữ sinh An Giang đã gặt hái được nhiều
thành tựu nổi bật tại đất nước mặt trời mọc, đem lại niềm tự hào cho bản thân
và gia đình.
Trước khi bước vào chương trình Đại học, Ngọc
Thuận có 2 năm học tiếng tại một ngôi trường riêng. Ở trường này, nữ sinh nhận
học bổng của Bộ Giáo dục Văn hóa - Thể thao - Khoa học và Công nghệ với mức hỗ
trợ là 6 triệu đồng/tháng dành cho sinh viên đạt kết quả học tập tốt, biết quan
tâm giúp đỡ các bạn khoá sau.
Năm đầu tiên Đại học, Ngọc Thuận nhận bằng Tin
học văn phòng Word, Excel 2016, nằm trong top 3 của khoa; đại diện sinh viên
Việt Nam làm ảnh bìa báo của trường; đạt học bổng 10 triệu đồng/tháng trong
vòng 2 năm ở trường.
Thạch Ngọc Thuận trở thành thủ khoa đầu ra tại
Đại học Osaka Sangyo (Nhật Bản).
Năm thứ 2, do dịch COVID-19 bùng phát, Ngọc
Thuận không thể đến trường, phải học online ở nhà. Không mất thời gian đi lại,
nữ sinh chịu khó tìm thêm nhiều công việc khác để thực hiện. Và em đã xây dựng
một kênh Youtube có tên là Thuan VNJP. Kênh có những chia sẻ về về cuộc sống ở
Nhật, du lịch Nhật Bản và dạy tiếng Nhật. Hiện kênh Youtube đạt trên 1.000
người theo dõi. Về thành tích học tập, nữ sinh luôn nằm trong top 3 của trường.
Năm 3, Ngọc Thuận thi Toeic và đạt điểm số
815/990 ngay ở lần đầu tiên. Nữ sinh trở thành thủ khoa của khoa Thương mại với
số sinh viên khoảng 200 người. Em đạt GPA 3.8/4.0. Ngoài ra, Ngọc Thuận còn
dành được suất học bổng Rotary trị giá 20 triệu đồng/tháng liên tục trong vòng
2 năm.
Để đạt được thành tích nổi bật như trên, nữ
sinh An Giang đã có những phương pháp học tập cực hữu ích. Hãy cùng trò chuyện
với Ngọc Thuận để biết thêm về hành trình chinh phục ước mơ của em!
KHÓ KHĂN NÀO CŨNG VƯỢT QUA BỞI GẶP ĐƯỢC NHỮNG
NGƯỜI NHẬT TỐT BỤNG
- Nhớ lại hành trình đi du học, Ngọc Thuận sẽ chia
sẻ điều gì?
Đầu tiên, em muốn chia sẻ về vấn đề tài chính
gia đình. Do sự chênh lệch về tiền tệ, gia đình không thể hỗ trợ hết học phí
cũng như sinh hoạt phí nên ngoài giờ học, em đi làm thêm 2 ngày cuối tuần để
trang trải cuộc sống. Công việc làm thêm cũng giúp em có những kinh nghiệm xã
hội quý giá.
Điều thứ hai, em muốn chia sẻ về văn hóa Nhật
Bản. Văn hoá nổi tiếng "khách hàng là thượng đế" của Nhật khiến em
khá chật vật trong thời gian mới đi làm thêm. Ngoài ra, nhịp sống ở Osaka – nơi
em sinh sống và học tập vô cùng hối hả khiến em từng rơi vào trạng thái lo
lắng. Nhưng "nhập gia tuỳ tục", dần dần em cũng thích nghi.
Người Nhật rất khắt khe chuyện giờ giấc, đây
là một thói quen tốt, giúp em dần thay đổi bản thân. Trước kia, em là người đến
sát giờ hoặc "giờ giây thun". Nhưng người Nhật thì không vậy. Họ luôn
đến sớm trước cuộc hẹn từ 10 – 20 phút để xem lại trang phục, chuẩn bị cho cuộc
gặp mặt. Điều này trở thành "luật bất thành văn", dần dần ăn sâu vào
tiềm thức của em, khiến em thay đổi tính "giờ giây thun" lúc nào
không biết.
Ngọc Thuận từng gặp nhiều khó khăn khi mới
sang Nhật nhưng em đã nỗ lực vượt qua.
- Thời gian du học tại Nhật chắc hẳn có nhiều
thăng trầm. Đâu là quãng thời gian đáng nhớ nhất đối với em?
Em nhớ nhất là năm đầu tiên đi du học. Đi du
học mang đến cho em nhiều cơ hội: Được tiếp xúc nền văn hóa mới, gặp gỡ những
bạn ngoại quốc, thay đổi môi trường học tập. Tuy nhiên, sự mới mẻ bao giờ cũng
đi cùng với thách thức. Em đã chọn cách dũng cảm bước tiếp, tuyệt đối không bỏ
cuộc.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng may mắn, em luôn
gặp được thầy cô tốt, bạn bè tốt, người làm chung tốt. Em muốn chia sẻ về người
thầy làm tại văn phòng ở trường học tiếng. Thầy luôn tư vấn nhiệt tình mỗi khi
em băn khoăn, lo lắng. Và gần đây nhất là khi đi xin việc, thầy đã chỉ cho em
cách tìm công việc phù hợp, lễ nghi của người Nhật khi phỏng vấn và đôi khi sửa
sơ yếu lí lịch để tăng cơ hội trúng tuyển.
Ngoài ra, em còn có những người bạn tốt. Bất
cứ khi nào cần tâm sự, cần giúp đỡ, họ đều sẵn sàng lắng nghe và đưa ra lời
khuyên hữu ích. Một điều tuyệt vời nữa là em có bố mẹ nuôi người Nhật. Họ không
có con cái, thấy em sống xa nhà nên rất yêu thương và nhận em làm con nuôi.
Nữ sinh luôn có những người bạn thân hỗ trợ
bên cạnh.
- Vậy khi gặp khó khăn hay muộn phiền, đâu là
động lực để em không gục ngã, dũng cảm bước tiếp?
Khi gặp khó khăn, em sẽ nhớ lại lý do để bắt
đầu rồi tiếp tục bước tiếp. Trong trường hợp stress (căng thẳng) quá, em sẽ đi
hát karaoke. Bên Nhật thiết kế các phòng karaoke dành cho 1 người. Đó là nơi để
em giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
Ngoài ra, em có thể chọn giải pháp nghỉ ngơi
tạm thời. Em sẽ đi ngủ, đọc sách, hoặc gặp bạn bè để tâm sự nỗi niềm đang gặp
phải. Họ sẽ đưa ra những lời khuyên giúp em vượt qua khó khăn.
Khi gặp khúc mắc, nữ sinh thường tìm tới những
người bạn để nhận lời khuyên hữu ích.
TRANH THỦ HỌC MỌI LÚC MỌI NƠI, NỖI SỢ LỚN NHẤT
LÀ LƯU BAN
- Những phương pháp học tập hiệu quả mà em đã
áp dụng là gì?
Tháng 4 năm 2019, em nhập học trường đại học
Osaka Sangyo của Nhật. Vào tuần đầu tiên, em không theo kịp các bạn do tốc độ
nói của thầy cô ở đại học quá nhanh, nhanh gấp nhiều lần thầy cô ở trường
tiếng. Em nghĩ nếu cứ tiếp tục tình trạng này, em sẽ bị lưu ban.
Vì thế, sau mỗi ngày, nếu có thời gian rảnh,
em sẽ đến thư viện để học thêm đến 9h30 tối rồi về nhà là khoảng 11h khuya.
Ngay cả khi đi trên tàu điện, em cũng tranh thủ học bài. Nội dung học là hoàn
thành bài tập trong ngày, xem trước bài ngày mai. Nhờ cách học đó mà sau 1
tháng, em đã theo kịp các bạn. Tự học là phương pháp hàng đầu em đã áp dụng.
Bên cạnh đó, một phương pháp hữu ích nữa là
học từ những người bạn xung quanh. Do khoa em học ít người Việt nên việc kết
giao với các bạn Nhật là điều tất yếu. Nhờ tự học ở thư viện đã giúp em quen 2
anh chị người Nhật khóa trên và 4 bạn cùng khoa. Chúng em đi ăn cùng nhau, học
cùng nhau, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn.
Nhớ lại, em học yếu nhất môn Kế toán. May mắn
trong nhóm em chơi cùng có 1 bạn đã có chứng chỉ quốc gia về môn Kế toán. Bạn
học giúp em rất nhiều, cuối cùng em cũng đạt thành tích S ở năm nhất đại học.
Bù lại em giúp bạn đó học tiếng Anh - môn mà bạn đó rất sợ. Nhóm 5 người chơi
cùng nhau thì cả 5 người đều thuộc top 10 sinh viên xuất sắc của khoa.
- Những cách nào giúp em sớm thích nghi việc
học tập tại Nhật Bản?
Hiểu rõ bản thân: Chúng ta cần biết thế
mạnh của mình là gì để phát huy, cũng như tìm cách khắc phục khuyết điểm. Chẳng
hạn, trong kỳ thi tiếng Nhật, em biết thế mạnh của mình ở phần nghe nhưng lại
yếu ngữ pháp. Em luyện tập bằng cách nghe đề thi cũ mỗi ngày và nghe tin tức
vào buổi sáng. Dần dần, em quen với tốc độ của người bản xứ và đã đạt điểm
tuyệt đối ở phần nghe của trình độ cao nhất N1 trong kỳ thi tiếng Nhật.
Làm quen, kết giao với người bản xứ: Điều này giúp em hiểu
thêm về nền văn hóa Nhật Bản và nhận được sự giúp đỡ từ họ. Đây cũng là cách
giúp em cải thiện khả năng giao tiếp, nâng cao ngôn ngữ Nhật.
Không để thời gian trống khi còn trẻ: Lúc rảnh rỗi,
chúng ta nên ép bản thân thực hiện điều gì đó. Chẳng hạn như đọc 1 quyển sách
chuyên ngành, đọc sách về đạo đức hoặc học thêm 1 thứ tiếng khác. Ngoài tiếng
Nhật, tiếng Anh, em đang học thêm tiếng Trung. Hoặc đơn giản là em rủ bạn bè
các khoa khác, bạn bè nước khác đi ăn uống, dã ngoại để mở rộng mối quan hệ.
Đừng lao đầu vào làm thêm mà quên đi mục đích
ban đầu: Khi ra nước ngoài, không ít sinh viên lao vào kiếm tiền để trang
trải cuộc sống. Nếu không biết cân bằng thời gian sẽ khiến vô tình quên đi mục
đích ban đầu. Mỗi người mỗi hoàn cảnh nên em không đề cập nhiều đến vấn đề này,
nhưng có khá nhiều cách kiếm tiền mà không ảnh hưởng đến việc học. Chẳng hạn
như em lấy học bổng để trang trải sinh hoạt phí và học phí. Các bạn nên dành
thời gian ra nghiên cứu về các loại học bổng phù hợp.
Thường xuyên đổi môi trường làm thêm trong lúc
còn là sinh viên: Điều này sẽ giúp bạn có thêm cho mình những người bạn mới. Ngoài
ra, bạn còn có kinh nghiệm quản lí trong nhiều môi trường khác nhau. Thông qua
công việc, chúng ta cũng học thêm nhiều từ vựng tiếng Nhật. Em từng làm thêm ở
các quán ăn, cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc mĩ phẩm.
Gia đình của Ngọc Thuận.
- Trong tương lai, Thạch có những kế
hoạch gì?
Em sẽ kiếm một công việc ổn định, phù hợp với
bản thân. Em nghĩ kế hoạch lâu dài, em sẽ về Việt Nam phát triển sự nghiệp.
Nhưng trước mắt, em ở lại Nhật Bản để trang bị kiến thức, kinh nghiệm cùng số
vốn thật tốt.
- Đâu là câu nói em yêu thích?
"Núi cao còn có núi cao hơn" là câu nói em rất tâm
đắc. Câu nói nhắc nhở em luôn phải khiêm nhường và nỗ lực nhiều hơn nữa để trở
thành phiên bản tốt hơn mình của ngày hôm qua.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét