Khúc củi lạ và vận may đặc biệt của doanh nhân Bạch Thái Bưởi
Một lần,
Bạch Thái Bưởi vớt được khúc củi, ông đem về phơi khô. Càng khô khúc củi càng
tỏa ra mùi thơm kỳ lạ. Thương lái Trung Quốc trả giá rất cao để mua khúc củi lạ
này. Từ số vốn đó, ông lao vào thương trường và trở thành một doanh nhân lừng
lẫy của Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Doanh
nhân Bạch Thái Bưởi (1875 - 1932) tên thật là Đỗ Thái Bửu, quê Yên Phúc, huyện
Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (cũ), nay là Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội. Ông là một
trong 4 doanh nhân giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20 (nhất Sĩ,
nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi).
Khởi
nghiệp từ khúc củi khô
Bà Bạch
Quế Hương (SN 1961, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) - chắt nội doanh nhân này, cho
biết, Bạch Thái Bưởi khởi nghiệp từ rất sớm.
Bà Quế
Hương kể: "Các cụ trong gia đình tôi kể rằng, cụ Bưởi khởi nghiệp từ một
số vốn "trời cho".
Theo đó,
ngày nhỏ, gia đình nghèo, Bạch Thái Bưởi thường theo mẹ đi vớt củi trên sông
Nhuệ mang về bán kiếm tiền. Một lần, ông vớt được một khúc củi khá lớn, mang về
phơi khô ở sân. Nhưng không hiểu sao càng khô, khúc củi đó càng tỏa ra một mùi
thơm kỳ lạ.
Bà Bạch
Quế Hương (bên phải), chắt nội của doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Ảnh: NVCC
Câu
chuyện lan nhanh, đến tai các thương lái Trung Quốc. Họ tìm gặp ông để mua bằng
được khúc củi khô này với giá cao ngất ngưởng. Sau này ông mới biết đó là gỗ
trầm hương - một loại gỗ vô cùng quý giá.
Với số
vốn từ thương vụ "củi khô", ông bắt đầu lao vào học hỏi kinh doanh
trên thương trường với nhiều nghề.
Có thời
gian, ông xin vào làm cho một số hãng buôn lớn của Pháp để làm việc, tích lũy
kinh nghiệm... Bạch Thái Bưởi sau đó nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, trong đó
phải kể ngành kinh doanh khai thác mỏ than và hàng hải.
Năm
1909, Bạch Thái Bưởi thuê lại 3 chiếc tàu (Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử
Long) của một hãng tàu Pháp chở thư và hành khách đường sông Bắc kỳ, có tên là
A. R. Marty, vừa hết hạn hợp đồng với chính phủ.
Doanh
nhân Bạch Thái Bưởi. Ảnh: Gia đình cung cấp
Ông đã
cho tàu chạy hai tuyến đường: Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy (Vinh).
Lúc này, ông đã phải đối mặt với hai đối thủ nặng ký nhất là chủ tàu người Pháp
và người Hoa.
Và cuộc
đụng độ không cân sức đã xảy ra, ông hạ giá vé xuống một thì người Hoa hạ giá
vé xuống hai. Ông mua trà mời khách đi tàu, họ mua bánh ngọt. Các chủ tàu người
Hoa trường vốn đã quyết chí đánh bại Bạch Thái Bưởi bằng đủ mọi cách.
So với
các thương gia người Hoa, tình thế của ông rất nguy ngập. Ông thuê ba chiếc
tàu, mỗi tháng trả 2.000 đồng, mà mỗi chuyến chỉ thu được 20 đồng.
Một
trong những con tàu của Bạch Thái Bưởi. Ảnh: Gia đình cung cấp
Trong
tình thế đó, Bạch Thái Bưởi đã nghĩ tới một thứ vũ khí mà người Hoa không thể
có, đó là tinh thần dân tộc. Ông cho người tới các bến tàu nêu rõ những thiệt
thòi của người Việt, kêu gọi tình đồng bào, tinh thần tương thân tương ái.
Ông treo
một cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích, bỏ tiền
vào, giúp cho chủ tàu giảm lỗ. Kết quả hành khách dần bỏ tàu Hoa mà đi tàu
Việt.
Lần
khác, trong một cuộc họp của Hội đồng kinh tế lý tài, do bênh vực cho quyền lợi
của người dân bị trị, Bạch Thái Bưởi bị Renê Robanh - Thống sứ Bắc Kỳ lúc đó,
đe dọa: "Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi". Ông khẳng
khái đáp lại: "Nơi nào có Bạch Thái Bưởi thì không có RoBanh".
Sau bảy
năm kinh doanh trên sông nước, Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng một cơ ngơi khép kín
từ chạy tàu đến đóng tàu, sửa chữa tàu và các chi nhánh ở nhiều nơi.
Năm
1916, một công ty hàng hải mang tên Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty đã
ra đời. Tại các trụ sở của ông, ở vị trí cao nhất người ta bắt đầu thấy phấp
phới ngọn cờ hiệu màu vàng, có hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ.
Ngày
7/9/1919, công ty của Bạch Thái Bưởi hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu
Bình Chuẩn hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công.
Bà
Nguyễn Thị Kim Quý, cháu dâu của Bạch Thái Bưởi, cho biết: "Sinh thời, cụ
Bạch Thái Bưởi từng nói: "Tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris".
Tàu Bình
Chuẩn chạy chuyến đầu tiên từ Hải Phòng cập bến Sài Gòn ngày 17/9/1920, trong
sự đón chào nồng nhiệt của giới công thương Sài Gòn lúc đó.
Công ty
của Bạch Thái Bưởi bắt đầu mở rộng tầm hoạt động khắp Đông Dương, các nước và
vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Philippines.
Đỉnh cao
phát triển của công ty là khoảng cuối thập niên 1920 đầu 1930. Khi ấy công ty
hàng hải của Bạch Thái Bưởi có trên 40 con tàu cùng sà lan chạy trên tất cả các
tuyến đường sông Bắc kỳ và cả các nước cùng vùng lãnh thổ lân cận, với số lượng
nhân viên lên tới 2.500 người, làm việc trên các đội tàu, xưởng đóng tàu.
Mua vé
máy bay đưa kỹ sư Pháp sang Việt Nam
Từ lợi
nhuận thu được từ kinh doanh hàng hải, Bạch Thái Bưởi lấn sân sang các lĩnh vực
khác, trong đó có khai thác mỏ than.
Hình ảnh
mỏ than của Bạch Thái Bưởi trên báo Pháp. Ảnh: NVCC
Năm
1925, Bạch Thái Bưởi dốc tiền vào việc khởi nghiệp khai mỏ. Ông được cấp phép
khai mỏ than ở vùng Quảng Yên.
Nhận
thức rằng, muốn hơn người Pháp phải có người điều hành giỏi chuyên môn, kỹ
thuật, ông tuyển những kỹ sư Pháp tài năng nhất làm việc cho mình. Tất cả kỹ sư
tốt nghiệp ưu tú đều được ông mua vé máy bay đưa sang Việt Nam nhận việc.
Những
ngày Bạch Thái Bưởi bắt đầu kinh doanh than, không lúc nào ông nghỉ ngơi, ngày
cũng như đêm, ông làm việc liên tục. Đều đặn, cứ 3 giờ sáng ông cưỡi ngựa qua
các đồi núi để đi thăm hầm mỏ, đốc thúc công nhân.
Công
việc khai thác than của ông đã đẩy mạnh đến mức than chất thành núi không kịp
bán ra. Trữ lượng khai thác của công ty Bạch Thái Bưởi tính ra phải bán tới năm
1945 mới hết...
Xuất
phát điểm từ nghề vớt củi khô, Bạch Thái Bưởi đã trở thành một doanh nhân lừng
lẫy tiếng tăm thời bấy giờ.
Bạch Thái Bưởi: Vua hàng hải Việt Nam kinh doanh vì tinh thần dân tộc
Bạch
Thái Bưởi được xem là bậc tiền nhân của giới doanh nhân Việt ngày nay với những
lĩnh vực kinh doanh nổi bật như hàng hải, khai thác than và in ấn.
Từ xa
xưa, ông cha ta đã có câu “Phi thương bất phú” để nói về việc kinh doanh, buôn
bán, làm giàu. Tuy nhiên việc đề cao, xem trọng những thương gia làm giàu chính
đáng ở nước ta chỉ bắt đầu từ thế kỷ XX với những cái tên như Nhất sĩ, nhì
Phương, tam Xương, tứ Bưởi.
Bạch
Thái Bưởi được xem là bậc tiền nhân của giới doanh nhân Việt ngày nay với những
lĩnh vực kinh doanh nổi bật như hàng hải, khai thác than và in ấn. Từ hai bàn
tay trắng, ông là tấm gương sáng về bản lĩnh và lòng tự hào dân tộc trong kinh
doanh.
Dựng
nghiệp
Có tài
liệu cho rằng Bạch Thái Bưởi vốn họ Đỗ, sinh năm 1874 trong một gia đình nghèo,
mẹ buôn gánh bán bưng, cha mất sớm. Lúc ấy có người họ Bạch không có con trai
thấy ông ngoan ngoãn, chịu khó nên nhận làm con nuôi và đổi sang họ Bạch. Cũng
có tài liệu cho rằng thời mới vào nghề kinh doanh đường thủy, có hùn vốn với bà
phán Thái nên mới đặt tên là Thái - Bưởi. Còn họ Bạch là trắng, không lấy họ
của riêng ai.
Vốn
thông thạo chữ quốc ngữ và tiếng Pháp đồng thời thông minh, lanh lợi nên đến
đầu năm 1895, thống sứ Bắc Kỳ chọn ông sang Pháp dự hội chợ Bordeaux để giới
thiệu sản phẩm của xứ Bắc Kỳ. Được sang Pháp, tiếp xúc với nền văn minh, tiến
bộ khiến ông nung nấu lòng quyết tâm thay đổi bộ mặt quê hương.
Trở về
nước, Bạch Thái Bưởi xin nghỉ việc vốn được xem là niềm mơ ước của nhiều người
tại hãng nhà thầu công chánh và lựa chọn đường đi riêng của mình. Về sau ông kể
không biết chính xác con đường này nhưng “muốn làm cho Hà Nội cũng tươi
đẹp như Paris”.
Từ hợp
tác với người Pháp
Nhờ
những mối quan hệ với chính quyền đồng thời tư tưởng kinh doanh khác biệt, Bạch
Thái Bưởi hùn vốn cùng một người Pháp để nắm lấy cơ hội trở thành đối tác chính
cung cấp tà vẹt gỗ cho dự án xây dựng đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ
cho Sở hỏa xa Đông Dương.
Nhờ
thương vụ này, ông trở nên giàu có và tách riêng để kinh doanh lập như buôn
ngô, cầm đồ tại Nam Định, mở quán cơm Tây, đại lý rượu, thầu thuế chợ. Bạch Thái Bưởi là người thâu tóm nguồn
lợi thuế chợ Nam Định, tỉnh Thanh Hóa, Vinh- Bến Thủy nhưng rút lui vào năm
1912.
Không
chỉ có tư tưởng mới hợp tác với người Pháp, Bạch Thái Bưởi còn khác người khi
chỉ sử dụng người Việt giúp việc với niềm tin vào chữ tín người Việt, trong khi
người nhà ông can ngăn do không tin tưởng khi giao công việc cho người ngoài.
Ông cho rằng: “Kinh doanh trên thương trường người Hoa hơn ta là ở chỗ có chữ
tín. Chẳng lẽ người Việt ta không làm được như thế sao? Ta có thật lòng tin
người thì người mới tin ta”. Triết lý quản trị này khiến những người làm việc
cho ông hết lòng làm việc và trung thành.
Cạnh
tranh với người Hoa vì lợi ích người Việt
Mặc dù
kinh doanh đa ngành nhưng Bạch Thái Bưởi nổi tiếng với ngành hàng hải và được
mệnh danh là chúa sông Bắc Kỳ.
Năm 1909
hãng Marty- D’Abbdie hết hạn ký hợp đồng, ông thuê ngay ba chiếc tàu của họ và
đổi tên tiếng Việt thành Phi Phượng, Phi Long, Bái Tử Long và cho chạy tuyến
Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy. Đây là những tuyến đường thủy luôn
đông khách nhưng trước chỉ có người Hoa và người Pháp thống lĩnh.
Một thời
gian sau, khi nghe tin công ty chuyên chở đường biển Deshwanden phá sản, ông
quyết định mua nốt 6 chiếc thuyền và một số sà lan của công ty này để không lọt
vào tay người Hoa, người Pháp mặc dù tàu khá cũ và nát. Hành động này của ông
đã làm nhiều người Việt vui mừng. Không những thế ông còn lấy tên anh hùng dân
tộc như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi,
Hàm Nghi để đặt tên cho tàu.
Đến năm
1919, công ty Bạch Thái có tổng
20 tàu nhỏ, chưa kể thuyền phụ, 20 sà lan bằng gỗ, sắt, 13 cầu tàu đứng, 16
chiếc cầu tàu nổi. Các tàu này chạy 17 tuyến đường thủy: Hà Nội- Nam Định, Hải
Phòng - Bến Thủy, Hải Phòng - Nam Định,… thậm chí lên vùng thượng du Bắc Kỳ.
Với
phương tiện da dạng, Bạch Thái Bưởi nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, ông còn
nắm bắt nhanh nhu cầu của khách. Ngoài những tuyến cố định, công ty của ông còn
mở các tuyến vận tải theo mùa như trẩy hội chùa Hương (tuyến Phủ Lý - Bến Đục),
hội đền Kiếp Bạc (tuyến Đáp Cầu - Kiếp Bạc, Hải Dương - Kiếp Bạc, Phả Lại -
Kiếp Bạc).
Trong
khi các tàu chở khách của người Hoa và người Pháp theo hướng phục vụ người có
tiền, đầu tư nội thất sang thì Bạch Thái Bưởi muốn phục vụ đối tác khách hàng
rộng hơn, đa phần là nông dân, người Việt không giàu có. Vì vậy sau khi mua lại
tàu, ông cho sửa lại nội thất để phù hợp với khách hàng mục tiêu của mình.
Không
chỉ vậy, Bạch Thái Bưởi luôn tìm cách xét giảm giá cho người Việt, ví dụ đầu thế kỷ XX giá vé Hải Phòng -
Nam Định là 1,5 đồng nhưng ông lại phân loại thành: ca-bin (hạng nhất): 1,00
đồng, hạng hai: 0,30 đồng, boong (hạng ba): 0,20 đồng.
Trước sự
phát triển của công ty Bạch Thái, các chủ tàu người Hoa quyết đánh bại ông bằng
đủ mọi cách như hạ giá sâu hơn. Bạch Thái Bưởi bèn nghĩ tới thứ vũ khí mà người
Hoa không thể có chính là tinh thần dân tộc. Ông tin rằng sự nghiệp kinh doanh
của mình diễn ra trên đất nước, xung quanh có đồng bào mình chắc chắn sẽ thắng
lợi. Ông cho người tới các bến tàu nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, kêu
gọi tình đồng bào, tương thân tương ái. Bạch Thái Bưởi còn cho treo một cái ống
trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích thì ủng hộ tiền giúp
chủ tàu giảm lỗ. Kết quả hành khách dần bỏ tàu Hoa sang đi tàu Việt.
Bạch
Thái Bưởi được biết đến là người đầu tiên sở hữu chiếc ô tô tại miền Bắc.
Hạ thủy
con tàu do người Việt thiết kế, thi công
Ngoài
kinh doanh hàng hải, công ty Bạch Thái còn được biết đến với việc mua lại một
trong những xưởng sửa chữa và đóng tàu đầu tiên tại Hải Phòng.
Năm
1919, công ty này cũng hạ thủy thành công chiếc tàu
Bình Chuẩn do người Việt tên Nguyễn Văn Phúc thiết kế và thi công. Ông là thân
tín của Bạch Thái Bưởi, vốn không hề du học nước ngoài , cũng không có bằng cấp
tốt nghiệp trường công nghệ nào mà chỉ là một thợ lành nghề.
Lễ hạ
thủy tàu Bình Chuẩn.
Chiếc
tàu này được thiết kế toàn bằng sắt thép, dài 46m, rộng 7,2m, sâu 3,6m, hai cột
trục, mỗi cột nặng 10 tấn, trọng tải 600 tấn, động cơ hơi nước 400 mã lực. Cái
tên Bình Chuẩn vốn là một ty được Đặng Huy Trứ đề xuất nhà Nguyễn mở tại Hà Nội
có nhiệm vụ kinh doanh buôn bán, gầy dựng tài chính cho quốc gia, mở hiệu buôn,
giao lưu hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược, khai thác mỏ ở Thái Nguyên. Đây
có thể xem là một biện pháp tích cực dưới triều Nguyễn nhằm chấn hưng công
thương nghiệp nước nhà lúc bấy giờ. Cái tên này khái quát được toàn bộ ý nguyện
của ông cũng như câu nói bất hủ mà ông tâm đắc: “Làm ra của cải là một đạo lý
lớn, không thể coi thường”.
Ngoài
kinh doanh hàng hải, Bạch Thái Bưởi còn mở công ty in ấn và xuất bản, cho ra
đời tờ Khai hóa nhật báo với tôn chỉ:
“Một là
giúp đồng bào tự khai hóa, dạy bảo lẫn nhau… mở mang con đường thực nghiệp.
Hai là
giải bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc
dân.
Ba là
diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang
làm...”
Mục đích
cuối cùng của phong trào thực nghiệm do ông phát động là cổ súy tinh thần làm
giàu vì dân giàu thì nước mới giàu.
Bạch
Thái Bưởi còn nhiều dự định như xây nhà máy xay gạo, xây nhà máy nước, nhà máy
điện, đường sắt tuy nhiên chưa kịp thực hiện thì qua đời sau một cơn đau tim
vào năm 1932 tại Hải Phòng.
Bạch Thái Bưởi - Chúa sông Bắc kỳ
Từ rất
lâu rồi, người Việt, điển hình như Bạch Thái Bưởi đã giong buồm ra biển lớn với
dáng vóc tự tin, đàng hoàng và những bài học về đối nhân xử thế, phép kinh
thương…
Nội
dung nổi bật:
- Sang
Pháp: Năm
1895, khi mới 21 tuổi, nhờ thông minh, lanh lợi, giỏi tiếng Pháp, chàng
trai Việt Bạch Thái Bưởi được sang Paris để giới thiệu sản phẩm gian hàng xứ
Bắc Kỳ. Về nước, Bạch Thái Bưởi xin nghỉ việc vì "đã chọn được con đường
riêng và muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”.
- Làm
ăn với Pháp: Ông
là đối tác chính cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt
lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, bắt đầu bằng việc xây cây cầu dài 3.500 m nối
Hà Nội với Gia Lâm.
- Kinh
doanh nhiều lĩnh vực: Mở hãng
cầm đồ ở Nam Định, mở hiệu cơm Tây ở Thanh Hóa, mở đại lý rượu ở Thái
Bình, thầu thuế chợ tại chợ Nam Định; tỉnh Thanh Hóa; Vinh - Bến
Thủy. Ông thắng lớn trước đối thủ là các thương thuyền Hoa kiều
đang giữ vị trí độc quyền khai thác hai tuyến đường thủy Nam Định - Hà Nội,
Nam Định - Bến Thủy.
-
Mở công ty ở Hải Phòng: Từ
tháng 4.1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng. Cơ ngơi đồ sộ
của ông nằm trên bờ sông Tam Bạc và thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái
công ty.
- Chúa
sông Bắc Kỳ: Đến
năm 1919, Công ty Bạch Thái còn mở thêm chi nhánh ở nhiều địa phương khác. Tổng
số tàu lớn nhỏ của ông lên đến 30 chiếc, chưa kể đến các thuyền phụ; 20 sà lan;
13 chiếc cầu tàu đứng, 16 chiếc cầu tàu nổi…
“Tôi
muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”
Có tài
liệu cho rằng Bạch Thái Bưởi vốn họ Đỗ, nhà nghèo, mẹ buôn gánh bán bưng, cha
mất sớm. Lúc ấy, có một người họ Bạch nhà giàu nhưng không có con trai, thấy
ông ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó nên nhận làm con nuôi và đổi sang họ
Bạch.
Lại cũng
có tài liệu nói rằng, hồi ông mới chập chững vào nghề kinh doanh đường thủy, có
hùn vốn với bà phán Thái nên mới đặt tên là Thái - Bưởi. Còn họ Bạch là trắng,
không lấy họ của riêng ai.
Những
trang ghi chép về ông bắt đầu rõ dần từ năm 1895, khi hội chợ Bordeaux được tổ
chức tại Pháp. Bấy giờ, Thống sứ Bắc kỳ muốn chọn một người Việt thông minh,
lanh lợi, giỏi tiếng Pháp để giới thiệu sản phẩm của gian hàng xứ Bắc kỳ. Bạch
Thái Bưởi được chọn, qua đề cử của Công sứ Bonnet. Sang Pháp, chàng trai Việt
mới 21 tuổi choáng ngợp trước sự văn minh, tiến bộ của Paris hoa lệ nhưng không
ai biết anh nghĩ gì trong đầu.
Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932), doanh nhân người Việt nổi tiếng, từ tay trắng làm nên nghiệp lớn. Ông được xếp vào danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20 (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi)
Về nước,
Bạch Thái Bưởi đến gõ cửa phòng chủ hãng thầu công chánh để xin nghỉ việc.
Quyết định của Bạch Thái Bưởi khiến cho chủ hãng kinh ngạc. Ông không thể ngờ,
có một người An Nam dám nghỉ việc khi hằng tháng được nhận đồng lương khiến
nhiều người đang thèm muốn.
Ông Bưởi
khẳng khái: “Thưa, tôi đã chọn đường đi của tôi!”. Nhưng ngay lúc đó chàng trai
trẻ chưa biết chính xác con đường của mình là gì. Mãi sau này, ông mới kể lại:
“Không biết. Nhưng tôi muốn làm cho Hà Nội cũng tươi đẹp như Paris”.
Chữ tín
và lòng tin
Khi mà
việc làm ăn với người Pháp chẳng bao giờ nằm trong suy nghĩ của những nhà buôn
đất Hà thành thì Bạch Thái Bưởi lại tính một nước cờ rộng hơn: trở thành đối tác chính cung cấp nguyên liệu cho dự án
xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, bắt đầu bằng việc xây
cây cầu dài 3.500 m nối Hà Nội với Gia Lâm.
Nhu cầu
chính và quan trọng nhất lúc đó mà ông có thể đáp ứng được chính là các thanh
tà vẹt. “Phải biết cung cấp cái mà người ta đang thiếu, cái mà người ta đang
cần và phải kịp thời”, Bạch Thái Bưởi tâm niệm. Để có số vốn lớn, ông hùn tiền
với một người Pháp cùng ý hướng. Họ chuyên khai thác gỗ làm tà vẹt bán cho Sở
Hỏa xa Đông Dương.
Sau khi
tích lũy số vốn lớn, Bạch Thái Bưởi quyết tâm lao vào một hướng đi mới. Không
phải chờ đợi lâu, khi hay tin chính phủ bảo hộ mở cuộc đấu giá lĩnh trưng nhà
cầm đồ Nam Định, Bạch Thái Bưởi tham gia. Kết quả ông đã thắng thầu. Đó là năm
1906.
Trong
hãng cầm đồ của mình, ông chủ ý chỉ sử dụng người Việt giúp việc, ông muốn
chứng minh rằng, ta không thua kém ai trên thương trường. Họ đã nắm các cương
vị quản lý, giám định, thủ quỹ… Nhiều người nhà trong gia đình ông - kể cả vợ -
không đồng tình, sợ rằng với số vốn lớn, với công việc như thế nếu giao tất tần
tật cho người ngoài khi họ phản thì chỉ có vỡ nợ!
Ông chỉ
cười nói: “Kinh doanh trên thương trường người Hoa hơn ta là ở chỗ có chữ tín.
Chẳng lẽ người Việt ta không làm được như thế sao? Ta có thật lòng tin người
thì người mới tin ta”.
Sau khi
hãng cầm đồ ở Nam Định đã làm ăn phát đạt, ông về Thanh Hóa mở hiệu cơm Tây, mở
đại lý rượu ở Thái Bình. Không những thế ông còn đứng ra kinh doanh ở nhiều
lĩnh vực mà chưa mấy ai thấy được mối lợi to lớn. Ông đứng ra… thầu thuế chợ! Ông thâu
tóm nguồn lợi thuế chợ Nam Định; tỉnh Thanh Hóa; Vinh - Bến Thủy. Công việc này
chỉ chấm dứt vào năm 1912.
Bạch
Thái Bưởi nắm được thời cơ và đã đi “một bước” trước người khác. Nhờ đó, ông
trở nên giàu có. Sau khi ngưng thầu thuế chợ, ông là người Việt Nam đầu tiên ở
miền Bắc thừa tiền để sắm… xe hơi vào năm 1913!
Nhà tư
bản
Bạch
Thái Bưởi nhận thấy rằng, tuyến đường thủy Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến
Thủy (Nghệ An) luôn đông khách, đó là một mối lợi lớn nếu biết khai thác. Đến
lúc ấy chỉ có người Hoa, người Pháp thống lĩnh, chẳng lẽ mình lép vế đứng nhìn
sao? Khát vọng này đã đưa Bạch Thái Bưởi trở thành người Việt Nam đầu tiên kinh
doanh ngành vận tải đường sông.
Năm 1909
hãng Marty - D’Abbadie vừa hết hạn ký hợp đồng với nhà nước, ông thuê ngay ba
chiếc tàu của họ và đổi lại thành tên Việt: Phi Phượng (Phénix), Phi Long
(Dragon) và Bái Tử Long (Fai Tsi Long). Từ đây, Bạch Thái Bưởi cho tàu của mình
chạy tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy. Ông chấp nhận đối đầu với
các thương thuyền Hoa kiều đang giữ vị trí độc quyền khai thác hai tuyến đường
thủy này.
Sau khi
đánh bại đối thủ cạnh tranh trên tuyến đường Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến
Thủy (Nghệ An), Bạch Thái Bưởi bắt đầu cho tàu chạy thêm tuyến đường Hải Phòng.
Chỉ sau hai năm mở thêm tuyến đường Hải Phòng, Bạch Thái Bưởi khuếch trương
thêm nhiều chi nhánh.
Kinh doanh trên thương trường người Hoa hơn ta là ở chỗ có chữ
tín. Chẳng lẽ người Việt ta không làm được như thế sao? Ta có thật lòng tin người
thì người mới tin ta
Ngoài
trụ sở chính tại Nam Định thì ngày 1.6.1914, ông mở thêm chi nhánh Bến Thủy
(Nghệ An). Ngày 1.8.1914, ông lại mở chi nhánh ở Hà Nội. Từ đây, trong lịch các
tàu thủy chạy tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định, Hà Nội - Tuyên
Quang, Hà Nội -Chợ Bờ... có tàu của Bạch Thái Bưởi.
Năm
1915, một lần nữa tên tuổi Bạch Thái Bưởi càng vang dội trên thương trường. Đó là năm Công ty Marty -
D’Abbadie phá sản. Ngoài việc mua đứt ba chiếc tàu thuê lâu nay, ông còn mua
luôn mấy chiếc khác nữa - kể cả chiếc thuyền bề thế nhất của công ty này.
Từ
tháng 4.1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng. Cơ ngơi đồ sộ
của ông nằm trên bờ sông Tam Bạc. Bạch Thái Bưởi cũng chính thức tuyên bố thành
lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty. Tại các trụ sở của ông, trên vị trí cao
nhất người ta bắt đầu thấy phấp phới ngọn cờ hiệu màu vàng, có hình mỏ neo và
ba ngôi sao đỏ.
Đến năm
1919, Công ty Bạch Thái còn mở thêm chi nhánh ở nhiều địa phương khác. Tổng số
tàu lớn nhỏ của ông lên đến 30 chiếc, chưa kể đến các thuyền phụ; 20 sà lan; 13
chiếc cầu tàu đứng, 16 chiếc cầu tàu nổi… Ngoài tàu mang tên các anh hùng dân
tộc, ông còn có các tàu Phi Thượng, Phi Long, Phi Hổ, Bái Tử Long, Khâm Sai,
Kinh Lược, Tổng Đốc, Yên Bái, Phố Lu, Chợ Bờ… Các tàu này chạy trên 17 tuyến
đường thủy từ Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng cho đến Tuyên Quang…; kể cả vùng
thượng du Bắc kỳ.
Nơi đến
xa nhất là Bến Thủy do hai tàu Phi Hổ và Bái Tử Long đảm nhiệm. Tuyến khó đi
nhất lên vùng thượng du Bắc kỳ, do tàu Chợ Bờ đảm nhiệm. Trong số các tàu, tàu
chở nhiều hành khách nhất là tàu Phi Phụng chạy tuyến Hà Nội - Nam Định chở đến
1.200 người.
Ra biển
lớn
Người
đương thời xưng tụng ông là “Chúa sông Bắc kỳ”, nhưng khát vọng của chủ nhân
Công ty Bạch Thái thì muốn giong buồm vượt vùng biển rộng lớn hơn nhiều. Dấu
mốc cho khát vọng vượt biển để chinh phục thế giới chính là việc Bạch Thái Bưởi
tổ chức thiết kế và tự thực hiện chiếc tàu lớn đầu tiên của Việt Nam, tàu Bình
Chuẩn.
Một
trong những chứng nhân khách quan nhất của hoạt động này là nhà báo người Hoa
Quan Dục Nhân. Ông viết một bài dài về chuyện này, đăng trên các báo ở Quảng
Đông như Nhân quyền báo, Tổng thương hội báo, Đại công báo… Nhà báo Thượng Chi
đã dịch lại và cho in trên Nam Phong tạp chí số 32 (1920): “Người bạn đưa ta
đến nhà máy Công ty Bạch Thái; trong công ty ấy vẫn có nhiều người Trung Hoa ta
làm công. Xem bấy nhiêu cũng đủ biết cái thương nghiệp của họ đã có cái
cảnh tượng tiến hóa hẳn rồi”.
Bạch
Thái Bưởi còn dự định tạo dựng nhiều công trình như xây một nhà máy xay gạo ở Nam
Định với những thiết bị tân tiến mua tận Hambourg (Đức), chương trình đặt ống
cống, xây nhà máy nước, dựng nhà máy điện cho thành phố Nam Định và cả việc đặt
đường sắt Nam Định - Hải Phòng. Rất tiếc ông không thực hiện được những dự định
này.
Bạch
Thái Bưởi mất ngày 22.7.1932 tại Hải Phòng, sau một cơn đau tim, ở tuổi 58.
Chuyện ly kỳ về người giàu nhất Việt Nam thế kỷ XX
Khi cụ
mất, được đặt trong quan tài bốn góc hình rồng mạ vàng. Có một số kẻ đào mộ cụ
lấy vàng bị điên dại đã mang trả lại.
Ông Vinh
bên lăng mộ của cụ Bạch Thái Bưởi.
Bà Đỗ
Thị Ngoan (81 tuổi) hậu duệ của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi hiện sinh sống ở làng
Yên Phúc (quận Hà Đông, TP Hà Nội) bảo rằng: "Cụ Bưởi vốn nổi tiếng giàu
có nhất nhì nước thời đó, về quê cho tiền dân làng xây dựng cổng làng, đình
làng. Còn đối với con cháu chúng tôi không được tài sản gì của cụ để lại. Khi
cụ mất, được đặt trong quan tài bốn góc hình rồng mạ vàng. Có một số kẻ đào mộ
cụ lấy vàng bị điên dại đã mang trả lại".
Đốt tiền hút thuốc lào
Chúng
tôi tìm về làng Yên Phúc tìm gặp người thân ông Bạch Thái Bưởi, hỏi các cụ cao
niên trong làng lắc đầu, con cháu cụ giờ mỗi người một nơi, không biết ai còn
ai mất. Giờ chỉ còn duy nhất người cháu là cụ Đỗ Thị Ngoan còn sống ở làng. Hỏi
đường vào nhà cụ Ngoan không khó, nhà cụ gần ngay với đình làng, cổng làng mà
ông Bưởi đã bỏ tiền xây dựng cho dân làng. Nhấn chuông liên hồi, nhưng không có
ai ra mở cửa, một cụ bà hàng xóm bảo cụ Ngoan đã dẫn cháu đi chơi. Quá trưa
chúng tôi quay lại mới gặp được cụ Ngoan.
Cụ Ngoan
năm nay đã bước sang tuổi 81, nhưng cụ có nước da đỏ hồng, giọng nói sang sảng.
Cụ Ngoan cho biết: "Ông cụ nội tôi với bố cụ Bưởi là hai anh em ruột. Bố
mẹ tôi sinh được hai chị em, chị tôi đi lấy chồng xa, còn tôi lấy chồng làng
sống ở nhà bố mẹ đẻ. Mảnh đất tôi đang ở xưa kia là nơi cụ Bưởi sinh sống. Vì
thế việc thờ cúng giỗ chạp gì tôi đều gánh vác".
Gia đình
ông Bưởi trước đây nghèo lắm, cha mất sớm từ nhỏ đã theo mẹ quẩy hàng rong đi
chợ bán. Một ông nhà giàu họ Bạch thấy cậu là người thông minh, tháo vát đã xin
làm con nuôi và đổi sang họ Bạch. Sau khi học xong bậc Thành chung (tương đương
với hết cấp hai ngày nay), ông đi làm thư ký cho giám đốc một hãng buôn người
Pháp. Giám đốc đi đâu cũng cho ông đi theo để sắp xếp giấy tờ, phụ giúp công
việc. Nghe đâu người giám đốc đó cũng chính là người trúng thầu xây dựng cầu
Chương Dương. Nhưng khi ông chủ về nước để thăm vợ con không may đột tử. Ông
Bưởi nắm giữ các hợp đồng buôn bán đã thay mặt ông chủ xử lý công việc. Từ đó
con đường làm ăn buôn bán của ông được thuận lợi.
"Nhờ buôn bán tàu thủy, những năm 20 của thế kỷ trước cụ Bưởi được liệt kê vào số những người giàu có ở Đông Dương. Cụ đi làm việc khắp mọi nơi, thỉnh thoảng cụ mới ghé thăm nhà. Cụ về làng thường đi trong chiếc xe hơi sang trọng, xách ca táp tiền bên mình. Khi cụ Bưởi về cả làng ra đón. Cụ Bưởi rất phóng khoáng, cho tiền dân làng xây hai cổng làng, tu bổ tôn tạo đình làng và lát gạch nghiêng toàn bộ đường đi trong làng. Tiền của cụ Bưởi nhiều đến nỗi, khi hút thuốc lào cụ dùng tiền thay đóm châm lửa", cụ Ngoan kể.
Vừa nói
nét mặt cụ Ngoan buồn thiu. Cụ bảo, cụ mang tiếng là cháu chắt, dòng dõi ông
Bạch Thái Bưởi nhưng giờ không được hưởng bất cứ tài sản nào cụ để lại. Trước
đây có lần ông Bưởi về mua cho gia đình cụ Ngoan 5 mẫu ruộng trồng lúa, cánh
đồng thẳng cánh cò bay từ đầu làng Yên Phúc đến tận Bưu điện Hà Đông bây giờ.
Nhưng khi cải cách ruộng đất, số ruộng đất đó đưa vào hợp tác xã.
Đình làng, cổng làng, đường làng Yên Phúc cụ Bưởi cho tiền để
làm.
Người
con có đôi mắt thần
Ông
Nguyễn Viết Tứ trước đây từng làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Phúc La cho
biết: "Tôi được nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, vào năm 1808 cụ
Bưởi trúng gói thầu làm tà vẹt đường tàu Bắc Nam. Cụ vào Thanh Hóa mua hẳn quả
đồi có nhiều gỗ lim, về làng nhờ những người anh em trong dòng họ, thuê hẳn một
đội quân vào đó khai thác gỗ phục vụ làm đường tàu".
Nhiều
người làng Yên Phúc vào khai thác gỗ thấy đó là vùng địa thế thuận lợi cho việc
phát triển kinh tế đã ở lại lập làng sinh sống. Ông Tứ bảo, chính ông cũng được
cha ông sinh ra ở nơi xưa kia cụ Bạch Thái Bưởi đưa người vào Thanh Hóa khai
thác gỗ lim. Khu vực đó hiện nay có tên gọi là thị trấn Triệu Sơn, tỉnh Thanh
Hóa. Năm 1646, khi thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm, một bộ phận người dân làng
Yên Phúc di tản vào Thanh Hóa định cư cùng ngôi làng đó.
Cụ Ngoan
được bố kể lại, trước đây ông Bưởi vốn giàu có nhất nhì nước, lắm vợ, nhiều
của. Nhưng con cháu của ông giờ không biết lưu lạc nơi đâu. "Con cháu cụ
Bưởi khi lớn lên cụ đều đưa sang Pháp học, có người ở lại sinh sống và làm việc
bên đó. Những năm cải cách ruộng đất, cô con gái Bạch Thị Sen gửi thư từ bên
Pháp về, nhưng bố tôi không dám nhận. Vì sợ chính quyền nói là cấu kết với giặc
Pháp. Trong số mười người con của cụ Bưởi có Bạch Thái Tư giỏi nhất, người đời
khi đó bảo ông có đôi mắt thần có thể nhìn xuyên lòng đất. Ông là kỹ sư địa
chất được đào tạo bên Pháp, có lần về Quảng Ninh giúp việc cho cụ Bưởi trong
ngành khai khoáng. Ông nhìn vào lòng đất có thể biết được khu vực nào có than hay
kim loại", cụ Ngoan kể.
Nhưng
tiếc rằng người con tài giỏi của cụ Bưởi đoản mệnh. Sau chuyến về thăm quê,
Bạch Thái Tư trở về Pháp làm việc đã bất ngờ đột tử. Bên Pháp thuê cả trực
thăng chở ông về làng Yên Phúc để chôn cất. Thi thể ông được đặt trong quan tài
làm bằng kẽm rất kiên cố.
Cụ Ngoan: Gia đình tôi không còn tài sản gì cụ Bưởi để lại.
Bán cổ
vật bị tâm thần?
Năm
1946, khi thực dân Pháp đánh chiếm, gia đình cụ Ngoan phải di tản xuống huyện
Thanh Oai. Khi đi mang theo những đồ vật quý của tổ tiên để lại, trong đó có
những bức hoành phi câu đối mạ vàng. Biết số đồ vật của gia đình cụ Ngoan có
giá trị, chủ nhà nơi cụ Ngoan ở nhờ đã lén lút mang bán lấy tiền. Vì thế, toàn
bộ những món đồ quý từ thời cụ Bạch Thái Bưởi để lại mất hết. Sau này cụ Ngoan
được biết, gia đình người bán số cổ vật đó không hiểu sao người bị bệnh tâm
thần, người bị ngớ ngẩn.
Cụ Ngoan
dẫn chúng tôi ra khu nghĩa trang thôn Yên Phúc, nơi chôn cất những người thân
trong gia đình cụ Bưởi. Cách đây 6 năm Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã đưa hài
cốt của cụ từ Quảng Ninh về đây chôn cất. "Tôi đại diện cho gia đình xuống
dưới Quảng Ninh để nhận hài cốt của cụ Bưởi. Tôi nghe nói cụ mất ngoài đảo Vân
Đồn. Quan tài cụ nằm có bốn đầu rồng bằng vàng, bên trong chứa vàng. Trước đây
có kẻ hám của đã ra đào mộ cụ lên để lấy vàng, sau này bị điên phải mang trả về
chỗ cũ", cụ Ngoan kể.
"Trong
gia phả họ Đỗ chúng tôi có ghi chép về hoàn cảnh xuất thân, cũng như sự nghiệp
vẻ vang của cụ Bạch Thái Bưởi. Trong đó khẳng định cụ Bưởi vốn gốc là người họ
Đỗ. Ngày nhỏ gia cảnh cụ khó khăn nên phải đổi họ. Cụ Bưởi làm rạng danh cho
dòng họ chúng tôi, cụ có đóng góp to lớn cho việc xây dựng cổng làng, đình làng
và đường đi lối lại cho người dân. Cụ là người giàu nhất nhì Việt Nam thế kỷ
XX".
Ông Đỗ
Quang Vinh (Ban Khánh tiết dòng họ Đỗ làng Yên Phúc)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét