Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Người Do Thái dạy con kiếm tiền như thế nào

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 22:34, under | No comments


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Là một dân tộc giàu có nhất thế giới, người Do Thái có phương pháp dạy con kiếm tiền khiến mọi người phải ngạc nhiên và khâm phục!
“Tiền của thế giới này nằm trong túi người Mỹ, và tiền của người Mỹ lại nằm trong túi áo người Do Thái”... Những lời này, chỉ sau khi gặp Matthew tôi mới thật sự hiểu được.
Trong cuộc sống hỗn độn, chúng ta ít khi dạy con cái những chuyện liên quan đến kiếm tiền, nhưng đồng thời chúng ta lại rất mong con cái sau này có thể thành đạt. Với tư cách dân tộc giàu có nhất thế giới, người Do Thái tin rằng, muốn con cái trở nên giàu có, cần phải sớm dạy cho chúng phương pháp kiếm tiền.
Bạn có thể mua cho con cái đồ chơi, tại sao lại không dạy chúng cách kiếm sống? Đó cũng là tạo ra niềm vui cho chúng! – Đây là logic của người Do Thái.
Cách làm của Matthew khiến tôi không thể ngờ tới, nhưng lại không thể không bội phục ông ấy.
Chính mình sáng tạo cơ hội kiếm tiền tiêu vặt!
Ở nước Mỹ, tiền tiêu vặt của con cái không phải là tiền cho không. Thay vào đó, các khoản chi này đều được quy ước rõ ràng: con làm được bao nhiêu việc, thì sẽ cho con bấy nhiêu tiền!



Làm việc nhà để có tiền tiêu vặt (Ảnh: kidspot.com.au)

Nhưng Matthew cho rằng, như vậy cũng quá bị động, phương pháp của gia đình ông là: Bảo con trẻ vào trong sân chơi, xem có thể tự mình làm việc gì hay không. Sau đó chúng trở về cho cha mẹ biết rằng chúng có thể làm gì, và có thể nhận được bao nhiêu tiền khi làm việc này.
Quá trình này nguyên là một cuộc đàm phán: Bọn nhỏ đi khắp nơi tìm nhu cầu, sau đó mới đến đàm phán với cha mẹ chúng rằng chúng muốn được bao nhiêu tiền công. Như vậy, chúng sẽ học được cách “đề xuất” và “mặc cả”. Hơn nữa, bọn nhỏ sẽ không nhận được món tiều tiêu vặt cố định, trừ khi bọn chúng tìm ra cơ hội kiếm tiền. Ở nước Mỹ, không dễ tìm ôsin, bởi mọi việc nội trợ trong gia đình cơ bản đều là bọn nhỏ tranh làm.
Từ nhỏ đã bồi dưỡng thói quen quản lý tài sản cho con cái


Quản lý tài sản (Ảnh: WerbeFabrik, Pixabay)

Con cái của chúng tôi có tất cả hai ống tiết kiệm. Với số tiền tụi nhỏ kiếm được, một nửa cho vào tài khoản chung của gia đình, một nửa cho vào tài khoản mua đồ chơi. Khoản tiền trong tài khoản mua đồ chơi, bọn nhỏ có thể tùy ý chi tiêu. Nhưng khoản tiền cho gia đình, cứ sau mỗi nửa năm lại gửi ngân hàng một lần. Tài khoản ở ngân hàng, mỗi năm sẽ giao cho người quản lý tiền cho chúng (Hai đứa con của chúng tôi, đứa 7 tuổi, đứa 9 tuổi, mỗi đứa con đều có một người quản lý riêng).
Tại sao chỉ có người lớn kể chuyện cho con cái nghe?


Hãy để con cái có năng lực suy nghĩ độc lập (Ảnh: PublicDomainPictures, Pixabay)

Mỗi buổi tối chúng tôi kể chuyện xưa cho con cái nghe, phần lớn đều là tôi kể, tôi cũng rất quý trọng khoảng thời gian này, nhưng đôi khi làm việc cả ngày đã rất mệt, tôi sẽ phàn nàn với Matthew.
Ông liền nói: “Tại sao bạn không cùng ngồi với bọn nhỏ, rồi giao cho chúng bốn thứ – một chiếc áo sơ mi, một chiếc cà vạt, một búp bê và một chiếc máy tính xách tay, rồi bảo chúng kể chuyện cho bạn nghe?”
Sau khi làm vậy, một tuần lễ có bốn ngày là tôi kể chuyện cho bọn trẻ, ba ngày còn lại bọn nhỏ kể chuyện cho chúng tôi.
Như vậy, có thể bồi dưỡng sức sáng tạo, năng lực suy nghĩ độc lập của bọn nhỏ, tương lai chúng sẽ không ngại diễn thuyết trước mặt nhiều người. Rất nhiều trẻ em đã lên cấp 3 mà vẫn không qua được cái cửa diễn thuyết kia. Thật ra, vì chúng được luyện tập quá ít. Nếu mong con cái trở nên nổi bật trong tương lai thì những tố chất này là vô cùng quan trọng.
Trẻ con cũng có thể học quản lý!


Cần để trẻ con hiểu thế nào là sự chuyên nghiệp (Ảnh: IgorSaveliev, Pixabay)

Matthew thường xuyên kể những việc trên công ty, loại người nào không xứng với chức danh công nhân, loại người nào là công nhân chuyên nghiệp.
Lúc ăn cơm bên ngoài, gặp việc phục vụ không tốt, ông sẽ phân tích cho trẻ, cái gì gọi là dịch vụ tồi. Hiển nhiên, những điều này không cần phải có trình độ quản lý kinh doanh mới có thể học được.
Thật ra, chúng ta mỗi ngày đều gặp được nhiều chuyện như vậy nhưng lại không tận dụng cơ hội để dạy con cái những điều này. Hiển nhiên bạn không cần phải chờ con cái lớn rồi mới dùng tiền giúp nó học bù đúng không?
Trách nhiệm của bậc cha mẹ rốt cuộc là gì?


Hãy cho con nền móng và công cụ, 
chứ đừng mua cho con cả ngôi nhà (Ảnh: Bbrest.com)

Khi nghe nói các bậc cha mẹ ở châu Á thường mua nhà cho con cưới vợ, Matthew và người nhà của ông vô cùng ngạc nhiên.
Gần đây còn nghe nói, các biệt thự ở New York bảy phần người mua là đến từ Trung Quốc, trong đó phần lớn là mua cho con làm nơi đọc sách. Gia đình Matthew đều cảm thấy các bậc cha mẹ Trung Quốc làm như vậy là không có trách nhiệm đối với con cái.
Dạy cách kiếm tiền là trách nhiệm của bậc cha mẹ, chứ không phải là kiếm tiền cho con.
Lúc Matthew đến New York để học, mẹ của ông có một dãy nhà trọ ở trung tâm chợ New York, lúc ấy ông hỏi mẹ, có thể cho ông vào đó ở không. Mẹ ông nói, con có thể ở, nhưng tiền thuê nhà thì một đồng cũng không thể thiếu. Sau việc đó, vì suy nghĩ của bản thân mình mà ông tự thấy hổ thẹn.
Con chúng tôi, hiện nay một đứa 12 tuổi, một đứa 14 tuổi, không có thói quen ngửa tay xin tiền. Ngoại trừ làm việc bếp núc kiếm được tiền, chúng đều có con đường phát tài riêng của mình.

Tiểu Minh biên tập


7 bí kíp dạy con của người mẹ Nhật Bản

Posted by khatvongmongmanh.blogspot.com 22:03, under | No comments


Hai đứa con, chỉ mua một cây kem (Ảnh: Internet)

Hideko là mẹ của hai cô con gái vô cùng ưu tú. Mà sự ưu tú đó là do 7 bí kíp độc môn của người mẹ tạo nên. Mời các bạn cùng tham khảo!
1. Hai đứa con, chỉ mua một cây kem
Hideko thường chỉ mua cho hai đứa nhỏ một cây kem. Đối với một cây kem này, việc ai cầm, ai ăn trước, ai cắn được miếng lớn hơn là điều khiến hai đứa trẻ thường xuyên tranh cãi. Hideko thường không lên tiếng, chỉ mỉm cười nhìn xem bọn trẻ giành nhau, chỉ khi một trong hai đứa trẻ có biểu hiện quá khích mới can thiệp.
Lúc ăn cơm tại nhà hàng, cô cũng chỉ gọi một phần thức ăn. Mà đồ ăn dù là bò bít tết hay bánh pudding đều chỉ có một, cuối cùng đồ chơi cũng chỉ có một. Có thể nhiều người nhìn không quen, cảm thấy Hideko rất keo kiệt, cần gì phải để bọn nhỏ tranh giành như vậy, cùng để bọn nhỏ vui vẻ không tốt hơn sao!


(Ảnh minh họa: Pixabay)

Hideko đương nhiên mua được hai phần, thậm chí là hai phần thức ăn giống hệt nhau. Thế giới này chỉ có vật chất là càng ngày càng đầy đủ, nhưng vấn đề là, tất cả mọi thứ trên thế giới này đều chuẩn bị sẵn hai phần cho chúng ta sao?
Khi mọi người khao khát một thứ gì đó mà chỉ có một cái, họ sẽ xử lý ra sao? Nằm ăn vạ trên mặt đất, lăn qua lăn lại là có thể giải quyết vấn đề? Dù trong xã hội hay tại nhà trẻ, trường học, bọn nhỏ đều được tôn trọng, được cho phần ngang hàng, cơ hội chia sẻ càng ngày càng ít, cho nên, Hideko phải tận lực sáng tạo ra, tạo ra hoàn cảnh gian khổ để trẻ nhỏ học cách chia sẻ, nhường nhịn và tìm ra phương pháp tự mình giải quyết vấn đề. 
2. Cho phép trẻ nhỏ tranh giành
Ngoại trừ tranh giành đồ ăn, tranh giành đồ chơi, trẻ nhỏ còn tranh chấp đủ loại đồ vật, thậm chí kể cả ngủ với mẹ. Ngày nay ai ngủ bên phải mẹ, ai ngủ bên trái, trái hay phải không phải đều giống nhau hay sao? Thế mà chúng cũng tranh giành. Có khi thỏa thuận không thành liền động thủ, có khi đánh nhau đến nỗi hai đứa đều khóc lớn mà cũng không dừng tay. Hideko thường không ngăn cản, cũng không giảng giải chị nhất định phải nhường em.


Để trẻ tự tìm ra năng lực của mình, nhận ra mình thật nhỏ bé trong xã hội, phải tuân theo quy tắc của xã hội, thậm chí phải thừa nhận một số quy tắc ngầm… (Ảnh minh họa: Pixabay)
Trong nhà có thể thông qua sự can thiệp của cha mẹ để tạo ra hoàn cảnh công bằng, nhưng ở trường học và xã hội không có công bằng tuyệt đối. Từ lúc nhỏ đã để cho trẻ tự tìm tòi ra năng lực của mình, nhận ra mình thật nhỏ bé trong xã hội, phải tuân theo quy tắc của xã hội, thậm chí phải thừa nhận một số quy tắc ngầm. Nếu không phục, chúng sẽ phải tự mình cố gắng vượt lên khỏi vị trí hiện tại.
3. Trẻ con có thể không ăn cơm, nhưng sự tập trung không thể bị quấy nhiễu
Bồi dưỡng thói quen đọc sách của trẻ nhỏ là chuyện vô cùng quan trọng. Nhà cửa cần phải dọn dẹp sạch sẽ chỉnh tề, chỉ có sách là có thể bừa bộn. Bọn nhỏ thường để sách ở nơi thuận tay, có đôi khi thậm chí còn bừa bộn nữa, giống như ai đó vừa bỏ sách mà chạy đi toilet gấp vậy.


Hãy để trẻ tập trung sáng tạo không phải (Ảnh: Debsch, Pixabay)
Trẻ nhỏ khi gặp vật gì có hứng thú sẽ tự mình cầm xem. Đúng lúc này nếu vừa đến thời gian ăn cơm, Hideko sẽ tuyệt đối không hô “Ăn cơm đi” mà cắt đứt sự tập trung của bọn nhỏ với thế giới sách vở. Đói một chút thân thể không xảy ra vấn đề gì, nhưng nếu thường xuyên bị cắt đứt như vậy, quãng thời gian quý giá giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung sẽ vĩnh viễn không còn nữa.
Khi con cái đang tập trung tinh thần đọc sách, không nên vì yêu thương mà hỏi: Bảo bối, con đang nhìn gì vậy? Sự yêu thương của bạn lúc đó đã phá vỡ lực tập trung của trẻ, tương lai bạn còn không biết xấu hổ mà nói rằng, đứa bé này sao cứ đứng ngồi không yên, căn bản xem ra là do không tập trung.
4. Chó cũng là một thành viên trong gia đình
Nhà Hideko có một con chó, hai con cá vàng, hai con châu chấu và mười con nòng nọc. Nuôi động vật không phải để bọn nhỏ chơi đùa, cũng không chỉ để nhìn, mà để bọn nhỏ học được sự trân quý sinh mệnh.


Trẻ con sẽ biết quý mến vật nuôi  (Ảnh: Jeniffertn, Pixabay)

Tiểu Á 6 tuổi, phụ trách cho chó và châu chấu ăn, cũng dọn dẹp lồng sắt, ngoài ra còn dắt chó đi dạo (kể cả dọn phân chó). Tiểu Hào 4 tuổi thì phụ trách cho cá vàng ăn. Từ lúc bọn nhỏ sinh ra, Hideko ôm chúng từ bệnh viện trở về nhà, chuyện thứ nhất làm chính là bồng chúng đến xem con chó, nói cho nó biết đây là thành viên mới của gia đình chúng ta, nhất định phải sống chung hòa thuận.
Hai đứa nhỏ náo loạn trong nhà, con chó sẽ xông ra sủa oang oang, cảnh cáo bọn nó yên tĩnh một chút. Tiểu Á và Tiểu Đào sẽ dặn dò nhau: “Con chó tức giận rồi, chúng ta nói nhỏ một chút nha.”
5. Hãy để cho trẻ nhỏ chia sẻ việc bếp núc!


Trẻ nhỏ cũng muốn được làm bếp (Ảnh: nhcs.ca)

Đừng tưởng rằng, trẻ nhỏ ngay cả bản thân còn chưa thể gánh vác, thì không có khả năng giúp đỡ người khác. Trẻ con từ rất nhỏ đã có tâm muốn học cách giúp đỡ người khác, người lớn nhất định phải coi trọng chuyện này, không thể chỉ nghĩ: “Chỉ tổ gây cản trở chứ chẳng giúp được gì”. Đối với người lớn thì chuyện này không có ý nghĩa gì, nhưng với trẻ, tự mình lấy hết toàn lực giúp người xung quanh là một việc vô cùng thành công giúp tăng cường sự tự tin của chúng, càng quan trọng hơn là xúc tiến sự phát triển về thân tâm của con cái, dẫn dắt chúng sau này có thể thuận lợi tiến vào xã hội.
6. Dạy cho trẻ biết cảm ơn và xin lỗi
Có thể nhiều người cảm thấy Nhật Bản lễ tiết rườm rà, nhưng thực tế thì những người từng được đối đãi qua như vậy đều không có ai tỏ vẻ phản cảm. Những đứa trẻ coi thường lao động, coi thường quan tâm đến người khác, thì nhất định sẽ không có tiền đồ tương lai tốt đẹp.


(Ảnh minh họa: Pixabay)

Trẻ không biết xin lỗi cha mẹ cũng sẽ đem tất cả sai lầm đổ lỗi cho người khác, có thể nhìn được những đứa trẻ như vậy tương lai vào xã hội sẽ gặp phải bao nhiêu vách tường cản trở chứ! Chỉ cảm ơn và xin lỗi trong lòng là không đủ, nhất định phải cổ vũ bọn trẻ dùng ngôn ngữ, chữ viết và hành động mà biểu đạt ra.
7. Cổ vũ con trẻ mạo hiểm và thử nghiệm
Thông thường, những đứa trẻ thích mạo hiểm thì chỉ số thông minh đều tương đối cao, dù cho bị cấm cũng sẽ giấu cha mẹ làm những việc chúng muốn làm, thử nghiệm và khiêu chiến có thể mang đến sự phát triển càng lớn hơn. Quá nghiêm khắc chỉ trích sẽ bóp chết thiên tính và tiềm năng của trẻ. Tuy biết là có nguy hiểm nhất định, nhưng trẻ nhỏ muốn làm gì, chỉ cần trong phạm vi hợp lý, nên cổ vũ chúng thử nghiệm. Tuy có thể sẽ có một chút mạo hiểm, nhưng cha mẹ cũng phải học cách chịu đựng áp lực, bình tâm đối mặt với sự mạo hiểm từ trẻ. Bọn nhỏ bị thương không đáng sợ, sợ chính là chúng không học được làm sao đối mặt với tổn thương, khó khăn và thử thách.


Đừng ngần ngại cho con trải nghiệm cuộc sống (Ảnh: Shannon Bennett)
Hideko biết rõ cái gì là hạnh phúc, nhưng quyết không đem tất cả hạnh phúc đưa cho bọn nhỏ. Hideko chờ mong chính là những đứa con kiên cường và dũng cảm hơn mình, cũng chờ đợi đến lúc bọn nhỏ có thể tìm được cảm giác khi tự mình tìm thấy hạnh phúc.
Tổng kết:
Mục đích cuối cùng của dạy con cái là để trẻ nhỏ có thể tự lập. Cuộc sống không có trở ngại không hề tồn tại ở thế giới này, chúng ta phải giúp con trẻ học được cách đối diện với nguy cơ và khó khăn, dũng cảm đứng lên nghênh đón và đối mặt, tự mình tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình.

TheoNTDTV

Bình Minh biên dịch; Tiểu Thiên và Lý Hương biên tập

CÁC BÀI CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“May’ lại những mảnh vỡ bình gốm Kỹ thuật không tưởng từ Nhật Bản

2 lần trúng bom nguyên tử không chết, còn thọ đến 93 tuổi

6 bài học từ văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản

Tokyo - Những điều mắt thấy tai nghe

7 bí kíp dạy con của người mẹ Nhật Bản

10 bài học cuộc sống đáng học hỏi từ người Nhật

16 điều tinh tế đến "chân tơ kẽ tóc" chỉ có ở Nhật Bản

50 sự thật ít biết về đất nước mặt trời mọc

Bí quyết dạy con kỷ luật của người Nhật Bản

Bí quyết làm đẹp của phụ nữ Nhật

Tổng thống Uruguay Ở nhà nhỏ, đi xe cũ, để dinh thự cho dân nghèo tá túc


“Người ta gọi tôi là tổng thống nghèo nhất, nhưng tôi không cảm thấy nghèo. Người nghèo là người chỉ cố gắng làm việc để duy trì một lối sống tốn kém và họ luôn muốn nhiều tiền hơn. Đây là vấn đề tự do. Nếu bạn không có nhiều tài sản, bạn sẽ không phải làm việc cả đời như nô lệ để giữ đống tài sản. Vì thế, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân”…
Đó là những chia sẻ của Tổng thống Uruguay Jose Mujica. Ông là vị tổng thống được công nhận thanh liêm nhất trên thế giới, đồng thời cũng là vị tổng thống được yêu mến nhất tại châu Mỹ La Tinh. Những câu chuyện về ông được lưu truyền trên khắp các nơi trên thế giới, phong cách làm quan của ông càng khiến các chính khách trên toàn cầu kính phục.
Sau khi ông lên nhậm chức liền tuyên bố sẽ quyên góp 90% tiền lương của mình cho các tổ chức từ thiện để giúp đỡ những người nghèo khổ. Mặc dù là tổng thống của một nước nhưng ông và vợ vẫn sống trong một căn nhà nhỏ ở vùng nông thôn, chăm sóc con rùa của họ, và toàn tâm toàn ý vì người dân phục vụ.
Ngôi nhà của Tổng thống Jose Mujica nằm ở vùng ngoại ô của thủ đô Montevideo của Uruguay, đó chỉ là một căn nhà nhỏ bé, bình dị. 


Ngôi nhà của Tổng thống (Ảnh: Internet)

Đệ nhất phu nhân Uruguay, đồng thời cũng là tham nghị viên của Uruguay, bà cùng với chồng là Tổng thống Jose Mujica sống trong một căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô.


Tổng thống và phu nhân (Ảnh: Internet)

Xe của Tổng thống Jose Mujica là loại xe Volkswagen Beetle sản xuất năm 1987, đã từng có một thương gia Arập ra giá 1 triệu USD để mua lại chiếc xe của ông, nhưng bị ông từ chối. Nghe đồn, Tổng thống Jose Mujica đã có ý bán chiếc xe cũ này đi nhằm lấy tiền quyên góp cho các tổ chức từ thiện, ông muốn giúp đỡ cho nhiều người dân nghèo nữa.


Chiếc xe của Tổng thống (Ảnh: Internet)

Đã từng có một người đàn ông ở miền Tây Nam Uruguay đứng bên đường và giơ ngón tay cái ra xin đi nhờ xe, hàng mấy chục chiếc xe đi qua nhưng không ai cho anh ta đi nhờ, xe này nối tiếp xe kia đi qua. Cuối cùng cũng có một chiếc xe dừng lại, hỏi anh ta đã xảy ra chuyện gì, đồng thời nói với anh rằng: “Tôi chỉ có thể đưa anh đi xa nhất là tới phủ Tổng thống”. Anh vui mừng bước lên xe, nhưng cuối cùng anh mới nhận ra, người có tấm lòng lương thiện kia chính là Tổng thống Jose Mujica. Người đàn ông ấy tên là Acosta – anh kể lại, lúc đó có một chiếc xe treo biển chính phủ đi tới và dần dần dừng lại trước mặt anh, khi anh lên xe cũng tuyệt nhiên không biết người này là ai, có điều người phụ nữ trên xe nhìn có vẻ quen mắt, khi nhìn kỹ thì nhận ra đó là phu nhân tổng thống – bà Lucia, và chiếc xe này chính là xe của Tổng thống Jose Mujica.
Con chó yêu quý của Tổng thống Jose Mujica chỉ có ba chân, nó là một giống chó phổ biến ở Uruguay, ngày thường ông Jose Mujica thường ôm nó đi trả lời phỏng vấn.


(Ảnh: Internet)
Dinh thự của Tổng thống Jose Mujica thường được mở vào mùa đông để cho những người dân nghèo và người dân du lịch đến tá túc.


(Ảnh: Internet)
Cuối cùng xin dịch tặng các bạn vài câu danh ngôn của Tổng thống Jose Mujica:

“Quyền lực không thể cải biến một con người, nó chỉ có thể bộc lộ tự ngã chân chính của người đó”.

“Tự do chính là sử dụng đại bộ phận thời gian của bản thân vào việc yêu thương chân thành mọi sự vật sự việc trên đời”!

“Thế giới của chúng ta không cần thiết phải có nhiều tổ chức quốc tế như thế, nhu cầu của họ là những quán rượu móc xích với nhau, còn nhu cầu của chúng ta là nhân đạo và khoa học”– Đây là phát ngôn của Tổng thống Jose Mujica tại Liên Hợp Quốc.

TheoNTDTV
Tuệ Minh biên dịch


33 năm nhặt từng viên đá, ông lão đưa thư xây dựng tòa lâu đài nổi tiếng nước Pháp


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)
Nằm ở phía Đông Nam của nước Pháp hoa lệ là một công trình kiến trúc mộc mạc nhưng vô cùng độc đáo – “Lâu đài Lý tưởng”. Sánh ngang với các tòa kiến trúc xa hoa mỹ lệ ở Pháp, lâu đài được xây dựng hoàn toàn bằng đá này khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ thích thú. Thế nhưng, đây không phải là công trình của bất kỳ một kiến trúc sư nào, mà là tác phẩm bằng tay đến từ một người đưa thư.
Ferdinand Cheval (1836-1924) sống ở vùng Châteauneuf-de-Galaure thuộc tỉnh Drôme của Pháp. Ông từng bỏ học ở tuổi 13 để tham gia học việc trong một tiệm bánh, nhưng cuối cùng số phận lại cho ông trở thành một người đưa thư.


Chân dung Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)

Trong hơn 30 năm cuối đời, ông đã dành thời gian của mình để xây dựng Lâu đài Lý tưởng (“Le Palais idéal” hay còn gọi là “Ideal Palace”) tại vùng Hauterives thuộc tỉnh Drôme. Câu chuyện về tòa lâu đài đặc biệt này được Ferdinand Cheval kể lại như sau:
“Tôi đang bước đi rất nhanh, rồi bàn chân tôi vấp phải một vật gì đó khiến tôi loạng choạng một vài mét. Tôi muốn biết nguyên nhân của điều ấy là gì. Trong giấc mơ, tôi thấy mình từng xây một cung điện, một tòa lâu đài, hay những hang động – khó có thể diễn tả một cách chính xác… Tôi không dám kể chuyện này cho bất cứ ai vì lo sợ sẽ bị chế giễu, ngay cả tôi cũng thấy mình thật nực cười. 15 năm sau đó, khi tôi gần như đã quên giấc mơ ấy và không còn nghĩ chút gì về nó nữa, thì bàn chân lại nhắc tôi nhớ lại. Chân tôi vấp phải một hòn đá và khiến tôi gần như ngã xuống. Tôi muốn biết đó là gì… Đó là hòn đá có hình thù kỳ lạ đến mức tôi phải cất nó vào trong túi để được thỏa sức ngắm nhìn. Ngày hôm sau, tôi quay trở lại cùng địa điểm ấy và tìm thấy nhiều viên đá khác, thậm chí còn đẹp hơn nữa. Tôi tập hợp tất cả lại, lòng tràn ngập vui sướng… Đó là viên sa thạch được tạo hình bởi nước và làm cho cứng cỏi bởi sức mạnh của thời gian. Nó cứng như đá cuội, thể hiện một tác phẩm điêu khắc kỳ lạ đến mức con người không thể nào bắt chước được. Nó cũng đại diện cho bất kỳ loài vật nào, bất kỳ thể loại tranh biếm họa nào.”
“Tôi tự nhủ với lòng mình: bởi Tạo Hóa đã sẵn sàng tạo tác, tôi sẽ xây dựng và tạo nên một tòa kiến trúc”.



Viên đá đầu tiên làm Ferdinand Cheval suýt vấp ngã, đặt nền móng cho việc xây dựng tòa lâu đài nổi tiếng (Ảnh: Ursus, Wikipedia)
Trong suốt 33 năm sau đó, Ferdinand Cheval đã thu thập các mẫu đá mà ông gặp trên mỗi chuyến hành trình đưa thư. Lúc đầu ông đựng các viên đá trong túi, nhưng rồi túi cũng ko đủ sức chứa, ông phải chuyển sang dùng giỏ; và đến khi giỏ quá đầy, ông phải sử dụng một chiếc xe cút kít. Với dự định tạo nên tòa kiến trúc đồ sộ, ông phải xây dựng vào ban đêm dưới ánh đèn dầu leo lét. Nếu như ban ngày ông hóa thân thành một người đưa thư nghèo khó, thì ban đêm, ông lại là một kiến trúc sư vĩ đại với những ý tưởng vô cùng sáng tạo. Vì không phải là người có trình độ học vấn, vậy nên các ý tưởng thiết kế đều đến từ trí tưởng tượng phong phú của ông. Những công trình điêu khắc ông đã gặp trên đường, những hình ảnh ông từng thấy trên các mẫu tem thư hay bưu thiếp, từ hình trang trí, hình họa, cho đến nhà thờ Hồi giáo, ngôi đền Ấn Độ, hay một khu lăng mộ Ai Cập,… tất cả đã góp phần tạo nên phong cách của Ferdinand Cheval. Phải mất tới 20 năm đầu ông mới có thể hoàn thành các lớp tường bên ngoài. Các viên đá được gắn kết bằng vôi, vữa, và xi măng để tạo nên tòa lâu đài mang nhiều phong cách khác nhau, từ cảm hứng trong Kitô giáo cho đến Ấn Độ giáo.



Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Ankopedia, Wikipedia)
Hơn 30 năm bền bỉ thực hiện giấc mơ của mình, ông lão đưa thư Ferdinand Cheval đã tạo nên một tòa kiến trúc độc nhất vô nhị. Những tên tuổi lớn cùng thời với ông như nhà thơ André Breton (Pháp) và họa sĩ Pablo Picasso (Tây Ban Nha) đều ngợi ca tuyệt tác ấy. Năm 1932, gần một thập kỷ sau khi ông qua đời, một nghệ sĩ người Đức tên là Max Ernst đã tạo nên một bức tranh cắt ghép tên là “Người đưa thư Cheval” (The Postman Cheval). Cho đến nay, bức tranh này vẫn được trưng bày tại bảo tàng Peggy Guggenheim Collection ở thành Venice, Italy. Năm 1958, Lâu đài Lý tưởng của ông đã trở thành đề tài chính trong bộ phim cùng tên của nhà làm phim Ado Kyrou. Bản thân Ferdinand Cheval cũng trở thành nguồn cảm hứng cho nhà văn Chuck Palahniuk viết nên tác phẩm “Choke” – cuốn tiểu thuyết kể về một người giao hàng cần mẫn thu thập các mẩu đá để xây nên ngôi nhà mơ ước của chính mình.


Lâu đài Lý tưởng xuất hiện trên tem thư của Pháp (Ảnh: Internet)
Nhưng đáng tiếc là Ferdinand Cheval đã qua đời chỉ một năm sau khi ông hoàn thành Lâu đài Lý tưởng. Trong những năm cuối đời, có lẽ dự cảm cái chết sẽ đến vào một ngày không xa, ông đã mong muốn sẽ được chôn cất trong lâu đài này. Nhưng vì điều đó đi ngược lại luật pháp quốc gia, ông buộc phải dành 8 năm sau đó để tự xây lăng mộ cho mình trong khu nghĩa địa của Hauterives. Ngày nay, khi đến thăm Hauterives, bạn vẫn sẽ được chiêm ngưỡng tòa lâu đài và viếng thăm ngôi mộ của ông lão đưa thư Ferdinand Cheval.


Ngôi mộ của ông lão đưa thư Ferdinand Cheval tại Hauterives, Pháp (Ảnh: Wikilug, Wikipedia)
Những chi tiết kiến trúc độc đáo tại Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval:


Đền Hindu ở Lâu đài Lý tưởng (Ảnh: Pabix, Wikipedia)


Họa tiết trang trí ở mặt tiền phía Bắc của lâu đài (Ảnh: Pabix, Wikipedia)


Hình ảnh tòa nhà Thụy Sĩ trên lâu đài (Ảnh: Pabix, Wikipedia)


Những bức tượng điểm tô cho tòa lâu đài (Ảnh: Internet)


Hành lang bên trong lâu đài (Ảnh: Internet)


Những chi tiết kiến trúc bên ngoài lâu đài (Ảnh: Internet)


Một góc tòa lâu đài (Ảnh: Otourly, Wikipedia)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Lâu đài Lý tưởng của Ferdinand Cheval (Ảnh: Internet)


Ferdinand Cheval chụp ảnh tại Lâu đài Lý tưởng (Ảnh: Internet)

Hồng Liên tổng hợp


Blog Archive