Là nữ tỷ
phú da màu đầu tiên ở Mỹ, được ca tụng là “nữ hoàng truyền thông”, nhưng con
đường mà Oprah Winfrey đi không hề dễ dàng. Bà đã phải trải qua những gì để có
thể trở thành hiện thân của “giấc mơ Mỹ” như ngày hôm nay?
Nhắc đến
Oprah Winfrey, người ta thường không biết bắt đầu từ đâu.
Bà sở
hữu 3,1 tỷ USD giá trị tài sản ròng, 49 triệu người xem, 42,1 triệu người theo
dõi, sáu ngôi nhà và một giải Quả cầu vàng Cecil B. DeMille dành cho thành tựu
trọn đời. Khó có thể đánh giá ai qua những con số, nhưng đây là minh chứng rõ
nhất cho sự thành công mà bà đã gây dựng suốt 43 năm qua.
Nhà văn
cổ đại Publilius Syrus từng viết: "Nếu muốn vươn đến đỉnh, hãy bắt đầu từ
dưới đáy". Để có được danh hiệu "Nữ hoàng Truyền thông của nước
Mỹ" như ngày hôm nay, Oprah Winfrey đã phải trả một cái giá rất đắt.
14 TUỔI, CHẾT NẶNG KHI BIẾT MÌNH CÓ THAI!
Tuổi thơ
dữ dội của Oprah Winfrey bắt đầu từ khi bà còn chưa ra đời. Là đứa trẻ ngoài
giá thú không được cha thừa nhận, mẹ lại bận đi tìm cơ hội đổi đời, Oprah lớn
lên trong cảnh nghèo túng, phải lấy bao tải khoai tây làm quần áo.
Mỗi
ngày, Oprah đều hứng chịu những trận đòn roi từ người bà nghiêm khắc của mình.
Tuy nhiên, chính trong những ngày tháng khổ sở đó, tài ăn nói của Oprah đã sớm
được bộc lộ. Bà có thể thuật lại Kinh Thánh chính xác khiến nhiều người phải
trầm trồ.
Oprah
chuyển về sống với mẹ năm 6 tuổi, cũng là lúc biến cố đầu tiên ập đến trong
đời. Mới 9 tuổi, Oprah đã bị chính người anh họ của mình cưỡng hiếp. Thế nhưng,
nỗi đau của bà chưa dừng lại ở đó.
Dù vậy,
cuộc đời vẫn muốn thử thách Oprah thêm nữa. Ở tuổi 14, bà chết lặng khi biết
mình có thai - kết quả từ những vụ lạm dụng tình dục trước đó. Đáng thương hơn,
con trai Oprah qua đời chỉ 2 tuần sau khi sinh. Nỗi đau mất con và những ám ảnh
tuổi thơ khiến bà hoàn toàn mất phương hướng.
Chính
vào lúc này, người cha từng bỏ rơi Oprah lại quay về và cứu vớt cuộc đời bà.
Oprah từng nói: "Cha đã thay đổi cuộc đời tôi bằng cách khẳng định tôi
giỏi hơn tôi nghĩ và tin tưởng tôi hết mình". Ông động viên bà trở lại
trường học, nơi sau này bà tìm thấy niềm đam mê hùng biện, mở ra tương lai rực
rỡ xóa tan đi những ký ức u ám trước đó.
Suốt 4
năm tiếp theo, Oprah liên tục bị lạm dụng bởi chính người thân xung quanh - chú
ruột, bạn trai của mẹ và một người bạn của gia đình. Hoang mang, đau đớn và xấu
hổ, Oprah không dám kể với ai về những ký ức ghê tởm này, chỉ biết tự trách bản
thân. Khi không thể chịu đựng nữa, Oprah lấy hết dũng khí để bỏ nhà ra đi,
thoát khỏi địa ngục trần gian đã chôn vùi tuổi thơ vốn đã bất hạnh của bà.
Bất kỳ
ai muốn chạm đến đỉnh cao vinh quang, đều phải dám mơ những điều không tưởng.
Bất chấp quá khứ đau thương, Oprah tiếp tục nỗ lực không ngừng, giữ chắc niềm
tin nơi bản thân: "Chúng ta trở thành thứ chúng ta tin, chứ không phải thứ
chúng ta nghĩ hay muốn".
Cuối
cùng, may mắn đã mỉm cười với Oprah, khi đài WVOL mời bà đến đọc bản tin. Hai
năm sau đó, được cha và các giáo viên trong trường ủng hộ, bà quyết định bỏ học
để theo đuổi đam mê dẫn chương trình. Chính bước ngoặt này đã giúp Oprah trở
thành phát thanh viên da màu đầu tiên ở Nashville, đặt nền móng cho sự nghiệp
truyền hình huy hoàng của bà sau này.
Khách
quan là chuẩn mực của nghề báo, nhưng Oprah không muốn bị trói buộc bởi điều
này. Từng sống trong bi kịch, bà hiểu rõ sức mạnh của sự cảm thông. Oprah cười
khi phỏng vấn, khóc trước những sự kiện đau thương. Phong cách khác biệt này
khiến bà trở thành trò cười trong các bản tin tối, không thể hòa hợp với các
đồng nghiệp.
Tuy
nhiên, Oprah lại rất phù hợp để dẫn talk show. Nhận ra điều này, cấp trên đã
chuyển bà sang chương trình talk show buổi sáng People
Are Talking. Tỷ suất người xem ngày càng tăng mạnh, củng cố niềm tin
rằng đây là phong cách Oprah cần theo đuổi trong tương lai.
6 năm
sau, bà chuyển sang đài khác và tiếp quản talk show buổi sáng AM Chicago. Ban đầu, đây chỉ là một chương trình
"lá cải" chuyên trò chuyện về những vấn đề tầm phào. Được thổi luồng
sinh khí mới từ Oprah, dần dần chương trình đã trở nên chín chắn hơn, tập trung
vào những vấn đề chính luận và nổi bật của xã hội.
Oprah
không ngại lồng ghép quá khứ đau thương của mình hay sự cảm thông với lối nói
hài hước, dí dỏm. Thông qua nó, bà gửi đến khán giả một thông điệp mà bất cứ
người dân Mỹ nào cũng hướng đến: "Sống có trách nhiệm và biết thay đổi,
bạn sẽ có một cuộc đời tốt hơn".
Chỉ
trong vòng 1 năm, AM Chicagođã phá hàng loạt kỷ lục.
Nó trở thành chương trình ban ngày có lượng xem cao nhất nước Mỹ với hơn 40
triệu khán giả mỗi tuần. Thậm chí, tên của chương trình còn được đặt lại theo
bà, The Oprah Winfrey Show.
Là linh
hồn của chương trình, Oprah Winfrey chính thức được coi là biểu tượng truyền
thông mới của nước Mỹ trong 33 năm tiếp theo. Năm 2003, bà đi vào lịch sử khi
trở thành tỷ phú da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Ở đỉnh
cao danh vọng nhưng Oprah không hề ngủ quên. Bà sẵn sàng từ bỏ thành quả vinh
quang đó để thành lập một kênh truyền hình của riêng mình - OWN, với mong muốn
giúp đỡ nhiều số phận bất hạnh trong xã hội. "Tôi muốn kể những câu chuyện
làm lay động lòng người, những câu chuyện mà ai cũng thể tìm thấy mình trong
đó," Oprah quả quyết.
ÔNG TRỜI KHÔNG LẤY ĐI CỦA AI TẤT CẢ!
Cuộc
sống không thiếu những tấm gương vượt khó thành công, nhưng Oprah Winfrey là
một trong số ít người đặc biệt khiến cả nước Mỹ nể phục. Bởi lẽ, bà phải nỗ lực
gấp đôi người khác.
Người ta
vẫn nói, ông trời không lấy của ai tất cả mọi thứ. Số phận lấy đi của Oprah một
tuổi thơ yên bình, một tương lai đầm ấm bên con cái. Bù lại, bà được ban tặng
khả năng hùng biện, viết lách và trí thông minh cảm xúc tuyệt vời.
Mỹ luôn
được gọi là miền đất hứa của những kẻ mộng mơ, và Oprah Winfrey chính là một
người như thế. Từ hai bàn tay trắng, bà trở thành người phụ nữ sở hữu cả tỷ
USD. Bởi lẽ, Oprah luôn tin rằng, mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng. Nỗ
lực để vượt qua nỗi ám ảnh quá khứ, nỗ lực để vươn lên khi không có bất kỳ thứ
gì trong tay.
"Không
quan trọng bạn là ai hay đến từ đâu, thành công luôn bắt đầu từ bạn," bà
nói.
Thay vì
đầu hàng trước số phận, Oprah biến mất mát thành động lực truyền cảm hứng cho
hàng triệu người khác. "Tôi hiểu thế nào là bị ruồng bỏ. Hãy dùng nó làm
bước đệm để học cách đồng cảm với người khác". Chân thành, nhạy cảm, chu
đáo - chính những đức tính này của Oprah khiến cho mọi người cảm thấy được thấu
hiểu. Họ tìm thấy chính mình trong mỗi câu chuyện của bà, tìm được sự dũng cảm
cần có để đối diện với vấn đề của mình.
Có một
điều chắc chắn rằng, thành công của Oprah không đến từ sự may mắn, hay vì
"ở đúng nơi, đúng thời điểm". Tất cả là nhờ vào khả năng nắm bắt và
tận dụng cơ hội của bà. "May mắn là sự kết hợp giữa chuẩn bị và cơ
hội", Oprah từng nói. Nếu có cơ hội để đạt được điều mình muốn, bà sẽ
không bao giờ bỏ lỡ, kể cả phải từ bỏ con đường học hành. Như nhiều người thành
công khác, bà biết nhìn ra cơ hội ở những nơi không ai thấy và sẵn sàng thử
những điều mới lạ.
Oprah đã
dùng hành trình của mình để chứng minh cho thông điệp không thể chối bỏ:
"Hãy biến nỗi đau thành sự khôn ngoan. Trong cuộc đời, bạn sẽ gặp phải rất
nhiều nỗi đau, mắc phải rất nhiều sai lầm. Có những người sẽ coi đó là thất
bại. Nhưng tôi biết rằng, đó chỉ là cách mà Chúa nhắc nhở bạn đang đi sai
đường."
Theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét