Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

Là bé gái phải sống trong trung tâm bảo trợ, cô gái trẻ nỗ lực vươn lên, khởi nghiệp đa ngành nghề và đạt được thành công ở tuổi 30

 

Những khó khăn và trải nghiệm suốt quãng thời gian tuổi thơ đã tiếp thêm động lực để cô có được thành công như hiện tại.


Manci là một cô gái 9x người Hồng Kông. Cô là chủ một tiệm cà phê, sáng lập ra thương hiệu bánh ngọt nghệ thuật, đồng thời cũng là một YouTuber và kinh doanh cả bất động sản.

Ở tuổi đời còn rất trẻ nhưng Manci đã đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ. Điều đó có được một phần nhờ vào những khó khăn và trải nghiệm của cô khi sống trong nhà bảo trợ suốt quãng thời gian thơ ấu.“Nhiều người nghĩ rằng những đứa trẻ nghèo không có nguồn lực gia đình hỗ trợ thì cuộc sống của chúng sẽ bị đóng khung lại và trở nên vô cùng nhỏ hẹp. Nhưng tôi lại cảm thấy mình dường như không bao giờ đạt đến giới hạn”, Manci nói.


Manci

8 tuổi bắt đầu sống trong nhà bảo trợ 

Manci là một cô gái có vẻ ngoài ngọt ngào nhưng lại sở hữu một trái tim mạnh mẽ. Khi Manci lên 8 tuổi, bà cô qua đời. Cha mẹ không ở cạnh, cô được các nhân viên xã hội sắp xếp vào nhà tình thương.

“Khi trở lại trường học, tôi vui vẻ nói với các bạn rằng mình đang sống ở 'nhà trẻ em'. Ban đầu mọi người ghen tị vì thấy tôi được ngủ chung với bạn bè. Nhưng sau đó gia đình họ dặn dò con cái không được chơi với tôi”, Manci cho hay.

Khi đó Manci chỉ học tiểu học, khi lên cấp 2, cô đã nhận ra nhiều điều và dần thay đổi suy nghĩ. Những bé gái trong trung tâm đều trạc tuổi Manci, họ dễ hòa hợp và có giao lưu tốt hơn. Dần dần Manci thực sự coi trung tâm bảo trợ chính là nhà của mình.

“Chúng tôi cho dù là người có khiếm khuyết về mặt tinh thần, gia đình hay thể chất thì mọi người ở đó đều bình đẳng giống nhau, không có ai khác biệt”, Manci bày tỏ.



Hiện nay, cô đã và đang tham gia nhiều công việc thiện nguyện ở trong, ngoài nước.

Cuộc sống ban đầu đầy khó khăn

Một tháng trước khi tròn 18 tuổi, đó cũng là khoảng thời gian mà những đứa trẻ phải rời nhà bảo trợ, lúc ấy cô vẫn chưa hề có kế hoạch gì cho con đường phía trước. Mãi đến khi xách hành lý rời đi, cô mới thức được rằng từ đây cuộc đời mình sẽ có sự chuyển biến lớn.

Đầu tiên, Manci đến nhà một người họ hàng xa sống nhờ trong 3 tháng. Lúc đó nhân viên xã hội thông báo cô sẽ được nhận về một khoản tiền nhỏ. Và cô dùng số tiền đó thuê nhà, mua sắm vật dụng, trả các chi phí ban đầu, cuối cùng không còn lại đồng nào.

Manci bắt đầu học đại học chuyên ngành về quản lý khách sạn. Để duy trì cuộc sống, cô học bán thời gian và làm việc nửa ngày trong một chuỗi nhà hàng đồ ăn với mức lương chỉ 17,5 đô la Hồng Kông/giờ (khoảng 51 nghìn đồng).

“Bảy ngày trong tuần tôi chẳng có lúc nào ngơi nghỉ, hai ngày cuối tuần gần như không được ngủ. 4 rưỡi chiều tan học, tôi bắt đầu làm từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm. Cuộc đời tôi khó khăn nhất là 4 năm sau khi rời nhà bảo trợ. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu, cứ 2 ngày tôi lại khóc một lần”, Manci nhớ lại.

Manci lúc ấy chẳng có một chỗ dựa nhưng cô vẫn quyết tâm phải thay đổi tương lai. Tiền công ở nhà hàng thức ăn chỉ đủ trang trải sinh hoạt, sau đó nhờ một người bạn giới thiệu mà cô chuyển sang làm việc cho một khách sạn 5 sao. Manci kiêm luôn việc phụ trách các tiệc cưới và dạy nghiệp vụ cho ba người làm việc bán thời gian. Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc toàn thời gian tại khách sạn.

Bắt đầu khởi nghiệp

Sau đó con đường sự nghiệp của Manci rẽ sang hướng khác khi được bạn bè giới thiệu một vị trí trong công ty bất động sản của Úc. Công việc của cô chủ yếu là môi giới cho người Hồng Kông mua bất động sản tại Úc. Có điều kiện ra nước ngoài, cô thấy trình độ hiểu biết của mình vẫn còn hạn chế, nhất là khả năng tiếng Anh. Manci quyết định đăng ký học thạc sĩ.

Sau 4 năm làm công việc bất động sản, cô đã mua được căn nhà đầu tiên của mình và bắt đầu có các dự định kinh doanh.

“Mọi người thích các món ăn, coi nó như thiên đường. Còn tôi thì lại thích triển lãm tranh và các tác phẩm nghệ thuật. Vì thế tôi đã đặt nghệ thuật vào công việc kinh doanh của mình, làm những chiếc bánh nghệ thuật”, cô gái trẻ nói.

Manci đã sang Nga tham gia khóa học làm bánh nghệ thuật vào năm 2018, trở thành một đầu bếp bánh ngọt và trở về Hồng Kông tạo ra thương hiệu của riêng mình “M.Patisserie”.





Manci và vài tác phẩm bánh ngọt của cô.

Hiện tại Manci đang quản lý tiệm bánh ngọt M.Patisserie và quán cà phê M.Roastery, đồng thời cũng bận rộn với công việc kinh doanh bất động sản. Ngoài ra cô còn lập kênh YouTube hướng dẫn về các tour du lịch.

Cô vẫn thường xuyên quay về giúp đỡ cho nhà bảo trợ mà cô từng sống trước đây. “Tôi không coi đó là việc thiện, thay vào đó tôi cảm thấy đó là một trách nhiệm vì tôi đã được giúp đỡ. Năm nay 30 tuổi, coi như tôi đã được giúp đỡ cả 20 năm đầu cuộc đời rồi”, cô gái trẻ cho hay.



Manci ở tiệm cà phê.

Cô làm tất cả, nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ một phần để thay đổi số phận của chính bản thân mình. Phần nữa cô cũng muốn chứng minh một điều bằng những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở những nhà bảo trợ cũng có thể tỏa sáng và trở thành người phụ nữ mạnh mẽ. Manci thường xuyên nhận được những lời phỏng vấn chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết thành công với mọi người.



Cuộc sống hiện tại của cô gái trẻ bên 2 chú chó.















0 nhận xét:

Đăng nhận xét


Blog Archive