Trường Sĩ
quan Không quân có vinh dự đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt là phi công. Nhưng
để tuyển được một nam thanh niên đủ sức khỏe đưa đi đào tạo phi công quân sự là
cả một hành trình, mà người trong nghề ví như đi “đãi cát tìm vàng”, bởi nhiều
nam thanh niên dù cao tới hơn 1,8m, nặng 80kg nhưng vẫn không thể qua được
“vòng gửi xe”…
Phi công
Trung đoàn 920, Trường Sĩ quan Không quân mở máy, sẵn sàng lên đường băng cất
cánh. Ảnh: Mai Đông.
Từ nhiều
năm nay, Viện Y học Phòng không - Không quân nằm trên đường Trường Chinh, Hà
Nội, là nơi khám tuyển phi công quân sự. Việc khám tuyển phi công hằng năm
thường diễn ra qua 2 vòng: Vòng sơ tuyển tiến hành ở Ban Chỉ huy quân sự các
quận, huyện và vòng 2 được tiến hành tại Viện.
Ngoài
những nơi này, để tuyển đủ chỉ tiêu, các đội sơ tuyển phải liên hệ với các
trường trung học phổ thông ở khắp mọi miền đất nước, vào từng lớp học cuối cấp
để xem mặt và lựa chọn những ứng viên có tố chất và mời họ đi khám tuyển.
Sau khi
khai giảng khóa học mới, các cán bộ của Viện Y học Phòng không - Không quân còn
đến các học viện, các trường sĩ quan trong toàn quân để tìm người khám tuyển.
Có một thực tế chung là, vì số lượng tuyển chọn hằng năm có hạn nên trước giờ
triển khai khám vòng 2, ở Viện rất nhộn nhịp, nhiều tiếng nói cười, nhưng khi
kết thúc, khi mà thông tin được đưa ra công khai thì nỗi buồn phủ kín trên
nhiều gương mặt các bạn trẻ, trong đó có cả những giọt nước mắt luyến tiếc.
Thiếu tá,
Bác sĩ Trịnh Văn Quyết, Trưởng ban Khám tuyển phi công Viện Y học Phòng không -
Không quân, đã có thâm niên gần 20 năm làm nghề và tham gia ngót nghét gần trăm
đợt khám tuyển sức khỏe phi công quân sự ở các địa phương trong cả nước, cũng
như phúc tra kết quả khám tuyển sức khỏe phi công quân sự khi nhập học tại
Trường sĩ quan Không quân.
Vì thế,
khi nghe tôi hỏi chuyện khám tuyển phi công, anh bảo rằng tuyển phi công quân
sự khó hơn “đãi cát tìm vàng”. Bởi đối chiếu với quy định, những người có thể lực,
chức năng sinh lý phù hợp với tiêu chuẩn lao động bay và học bay quân sự không
nhiều nên rất khó tìm được.
Anh ví dụ,
ở khám sơ tuyển, những người ngực lép, có gan bàn chân dày, thuận tay trái,
chân vòng kiềng, chân ngắn dưới 75cm hoặc có chiều cao khi ngồi lớn hơn 95cm
đều bị loại. Anh cho biết, hiện nay, mặc dù dân số tăng, mặc dù điều kiện chăm
sóc tốt nhưng số người khám tuyển phi công bị loại vẫn khá nhiều. Đơn giản như
những người cận thị, loạn thị, có bệnh về mắt, về răng thì đều bị loại từ vòng
sơ tuyển.
Vì thế, ở
vòng sơ tuyển có rất nhiều nam thanh niên cao, to, đẹp trai, nhìn khỏe khoắn và
đã đạt các tiêu chí cơ bản thì vẫn có thể bị loại ở bài kiểm tra hệ thần kinh,
trí nhớ với hình thức và phương pháp giống như kiểm tra đặc vụ trên các phim
hành động của Hollywood.
Theo đó,
những người kiểm tra sẽ đưa ra một bảng chữ số với khoảng cách nhất định trong
thời gian vài chục giây rồi cất đi. Ứng viên phải nói lại trong bảng có bao
nhiêu chữ số, là những chữ số gì... Theo anh Quyết, đây là nội dung mà nhiều
ứng viên “bó tay” đầu hàng nhất trong vòng sơ tuyển. Và đương nhiên, họ sẽ rất
buồn.
Thầy và trò
Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân trước khi lên máy bay. Ảnh: Mai Đông.
Chưa hết,
nội dung kiểm tra tiền đình còn khắt khe hơn vì nếu vượt qua ứng cử viên sẽ có
“vé” vào vòng sau và về Viện để tham gia các xét nghiệm cận lâm sàng. Theo đó,
hết thời gian 180 giây ngồi ghế xoay tay với tốc độ 30 vòng/phút, nếu bước
xuống mà ứng cử viên đi lệch so với đường thẳng 45 độ là được…
Trong thực
tế, Thiếu tá Quyết và đồng đội đã chứng kiến nhiều ứng viên mới ngồi nghế quay
được hơn 30 giây đã tái mặt, vã mồ hôi; thậm chí có người nôn ngay tại chỗ hoặc
ngã sang một bên. Có ứng viên rời ghế bước xuống đất bước đi loạng choạng,
“xoắn quẩy”, “vắt sổ” và thậm chí đi thành vòng tròn như người say rượu. Số
những người đi thẳng hoặc lệch so với đường chuẩn rất hãn hữu và họ sẽ tiếp tục
được “vé” để có cơ hội thực hiện “giấc mơ bay”.
Nhưng, như
thế không có nghĩa là đã có “cửa” để vào Trường Sĩ quan Không quân. Bởi khi về
Viện Y học Hàng không khám tiếp vòng 2, nhiều ứng viên đạt kết quả tốt ở vòng
sơ tuyển nhưng vẫn sẽ tiếp tục bị loại. Thế nên không lạ khi các bác sĩ, nhân
viên gọi nơi đây là “điểm chết của những giấc mơ bay”, là nơi buồn nhiều vui
ít.
Vào vòng
2, ứng viên phải trải qua tất cả những bài đã kiểm tra ở vòng sơ tuyển ban đầu
nhưng với yêu cầu nghiêm ngặt hơn.
mộng” lại
đến khi họ phải ngồi trên ghế điện 180 giây quay tròn đều với tốc độ… 30
vòng/phút…
Thế nên
chẳng lạ khi sau mấy phút, rời khỏi ghế điện nhiều người đã không đứng vững mà
ngã xuống nền nhà như cây chuối đổ. Hay như việc vượt qua vòng kiểm tra thị lực
cũng khiến các ứng cử viên giật mình thon thót.
Ứng viên
phải trải qua những bài test về độ thích ứng sáng - tối bằng cách nhìn vào một
bóng đèn sáng cho đồng tử co lại, rồi đèn đột ngột tắt và người kiểm tra đưa ra
trước mặt ứng viên một bảng chữ. Nếu sau 60 giây mà ứng viên đọc được dòng chữ
ấy chính xác thì mới đạt.
Ở bài kiểm
tra độ nhạy màu sắc, ứng viên phải nhìn vào một bảng chữ cái nhỏ li ti có nhiều
màu khác nhau để phân biệt chính xác. Nếu mắt tốt mà không phân biệt được chính
xác các màu trên đó thì cũng trượt.
Kiểm tra
sức khỏe học viên phi công quân sự trong buồng giảm áp. Ảnh: Mai Đông.
Khắc
nghiệt nhất ở vòng 2 là nội dung kiểm tra sức chịu đựng trong môi trường giảm
áp. Ứng viên được đưa vào một khoang máy kín mít có hệ thống hút chân không. Áp
suất được điều chỉnh giảm xuống, ôxy được rút bớt ra để môi trường trong khoang
máy tương đương với máy bay đang độ cao 5.000 mét.
Trong 30
phút ở môi trường áp thấp, thiếu ôxy, ứng viên sẽ được kiểm tra chức năng khí
áp tai, khí áp xoang, độ nhạy của thính giác, thị giác, công năng hô hấp của
phổi… Nhiều ứng viên “mắt tinh, tai thính, thở đều” trong điều kiện bình
thường, nhưng chỉ mấy phút vào buồng giảm áp là đã “mắt mờ, tai ù, mũi nghẹt”.
Nhiều người hốt hoảng, mặt tái mét. Có người không chịu nổi đã ngất xỉu.
Tôi đã có
dịp trò chuyện với một số phi công quân sự và ấn tượng bởi họ có một điểm chung
là có giọng nói trầm, ấm khá giống nhau.
Nghe tôi
thắc mắc chuyện này, Thiếu tá Trịnh Văn Quyết cho biết tuy chưa có thống kê
khoa học và chính xác về hiện tượng này nhưng tạm xác định được 2 lý do cơ
bản.
Một là,
ngay từ khi sơ tuyển họ phải đạt được tiêu chí nói rõ ràng, mạch lạc phục vụ
cho công tác liên lạc vô tuyến với chỉ huy mặt đất sau này.
Thứ hai
là, quá trình huấn luyện trở thành phi công quân sự, họ phải trải qua quá trình
rèn luyện thể lực theo quy định ngành hàng không và các môn thể thao bổ trợ hết
sức khắt khe.
Thực chất
đó là quá trình kết hợp giữa điều chỉnh phản xạ, vận động cơ bắp và thở để duy
trì sự ổn định của hệ thần kinh. Có lẽ đây được xem là tác nhân trực tiếp để họ
trở thành… ca sĩ nếu có thêm cơ hội luyện thanh chuyên nghiệp.
Một mùa
tuyển sinh mới lại bắt đầu, vì thế trước khi chia tay tôi, Thiếu tá Quyết nói
rằng, dù đã vượt qua cả 2 vòng khám tuyển khắt khe nhưng khả năng trở thành học
viên phi công sẽ đóng lại nếu các ứng viên hoạt động mất kiểm soát. Chẳng hạn
như một va quệt nhẹ khi tham gia giao thông, chấn thương khi chơi thể thao cũng
gây bất lợi trong đợt phúc tra kết quả trước khi trở thành học viên phi
công.
Anh khuyến
cáo rằng, để thực hiện được ước mơ trở thành “người nhà trời” và là một phi
công quân sự thực thụ thì ngay từ khi con còn bé, các phụ huynh đã phải chú ý
đến chăm sóc sức khỏe cho con thông qua các chế độ học tập, ăn, ngủ, luyện tập
thể thao, giải trí rất khoa học. Khi đã trưởng thành, các bạn trẻ cần tập luyện
thể thao điều độ, đúng cách, và chú ý giữ an toàn tâm lý và an toàn thân thể.
Theo Phạm
Mạnh Thắng (Cảnh sát
toàn cầu)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét